TAILIEUCHUNG - Bao giờ núi lửa phun ở Việt Nam ?
Tài liệu tham khảo về núi lửa phun ở Việt Nam | Núi lửa ở Nam Trung Bộ có thể xuất hiện, đặc biệt là vùng Hòn Tro. Nhưng với 10 triệu đồng kinh phí nghiên cứu một năm, các nhà khoa học đành bó tay không giải đáp nổi thời điểm đó là khi nào. Cũng không ít người nghĩ rằng Việt Nam nằm trong khu vực "miễn nhiễm" với núi lửa. Trở lại lịch sử, ngày 15/2/1923, nhiều vùng thuộc cù lao Hòn (Phan Thiết) bị chấn động mạnh, nhà cửa nghiêng ngả, người đứng không vững. Những chấn động này kéo dài một tuần liền. Sau đó, khi đi ngang qua cù lao này, thủy thủ trên tàu Vacasamaru của Nhật phát hiện một đám khói đen dựng đứng, kèm theo một cột hơi dày đặc bốc cao hơn m cùng với những tiếng nổ mạnh phát ra từng đợt. Ngày 8/3 năm đó, cù lao Hòn phun ra những chất màu xám đen, xám nhạt gồm hơi nước, bùn và đất. Trước mỗi đợt phun, nhiều tiếng nổ phát ra như bom và hỗn hợp bùn đá bật lên sáng lóa. Ngày 15/3/1923, núi lửa đã ngừng phun nhưng hòn đảo còn nóng âm ỉ và đến ngày 20/3/1923, động đất xảy ra, núi lửa phun trở lại. Đó là những tài liệu lịch sử ghi lại được về sự hoạt động của núi lửa tại Việt Nam. Hòn đảo đó về sau người ta gọi là đảo Hòn Tro. Trước đợt hoạt động của núi lửa Hòn Tro, ngày 8/2/1923, tàu của hải quân Hoàng gia Anh khi đi qua vùng này còn phát hiện thêm một hòn đảo khác với chiều dài 30,5 m, cao 0,3 m, cách Hòn Tro 3,7 km cũng đã phun lửa cao 12 m, xung quanh nước xoáy rất mạnh. Ngoài đợt hoạt động vào năm 1923, theo tài liệu lịch sử, tại khu vực Hòn Tro và một số vùng xung quanh, hoạt động động đất và núi lửa đã xảy ra hai lần vào cuối thế kỷ thứ 19 và sớm hơn nữa nên có nhiều khả năng núi lửa Hòn Tro có thể hoạt động trở lại. Nhưng với 10 triệu đồng kinh phí một năm dành cho nghiên cứu núi lửa, các nhà khoa học đành bó tay không giải đáp nổi thời điểm đó là khi nào. PGS - TS Phạm Văn Thục, Phân viện Hải dương học Hà Nội (Trung tâm KHTN&CNQG), nhận định, trên thế giới có khoảng 800-900 núi lửa đang hoạt động nhưng thường xuyên chỉ có 20-30 núi lửa đang phun. Số còn lại ngưng hoạt động trước khi bước vào giai đoạn mới. Tại nước ta, núi lửa phân bố rộng rãi trên nhiều vùng khác nhau ở Xuân Lộc, Định Quán, Đà Lạt, vùng huyện đảo Phú Quốc, Phú Quý, Hòn Tranh, đảo Lý Sơn, Vĩnh Linh, Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ. Độ cao của các ngọn núi lửa này vào khoảng 70-150 m, đường kính ở chân từ 1 đến 3 km. Các nhà khoa học cho rằng hoạt động núi lửa ở Nam Trung Bộ vẫn có thể xuất hiện, đặc biệt là khu vực Hòn Tro. Do đó, việc thiết lập một trạm quan sát địa chấn ở đảo Phú Quý sát với cụm núi lửa Hòn Tro nhằm theo dõi và dự báo sự xuất hiện của chúng qua những chấn động nhỏ trước khi phun là cần thiết. Núi lửa bị "bỏ quên" TS Thục đã bỏ công hơn 40 năm nghiên cứu về sự hoạt động của núi lửa Việt Nam. Nhưng vấn đề dường như không được nâng lên tầm quan trọng như động đất, bão từ. bởi không ít người nghĩ rằng Việt Nam nằm trong khu vực "miễn nhiễm" với núi lửa. Thậm chí, đề tài nghiên cứu núi lửa của ông mỗi năm chỉ nhận được vẻn vẹn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, ngoài số kinh phí dành cho nghiên cứu hoạt động núi lửa quá ít, một băn khoăn chính là đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. PGS - TS Phạm Văn Thục đang sở hữu một tủ tài liệu khổng lồ liên quan đến núi lửa nhưng tìm được một nhà khoa học trẻ có tâm huyết để chuyển giao lại là điều không dễ dàng. Núi lửa có thể âm ỉ chờ ngày phun, còn giới khoa học trẻ, các bạn chờ gì?
đang nạp các trang xem trước