Ô nhiễm môi trường ở các vùng quê Việt Nam chủ yếu thuộc hai dạng chính: ô nhiễm nước và ô nhiễm đất. Ô nhiễm nước xảy ra khi nước bề mặt chảy qua rác thải sinh hoạt, nước rác công nghiệp, các chất ô nhiễm trên mặt đất rồi thấm xuống nước ngầm, ô nhiễm đất xảy ra khi đất bị nhiễm các chất hoá học độc hại (hàm lượng vượt quá giới hạn thông thường) do các hoạt động của con người như khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, sử dụng phân bón hoá học hoặc thuốc trừ sâu quá nhiều, hoặc do bị rò rỉ từ các thùng chứa ngầm...
Ớ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vấn đề ô nhiễm môi trường nước và đất đang rất bức xúc. Diện tích đất hoang hoá, đất bạc màu không ngừng tăng. Ở các xã Hoà Hậu, Bồ Đề, Vĩnh Trù (Hà Nam) nghiên cứu cho thấy 94,4% giếng khoan có hàm lượng thạch tín cao hơn tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Nhiều nơi, các dòng sông đang quằn quại rên xiết khi dòng nước không còn trong lành, ngọt mát. Nước sông Nhuệ, sông Đáy bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ, dinh dưỡng, mùi hôi, độ màu và vi khuẩn, một số khu vực đã có dấu hiệu ô nhiễm do kim loại nặng. Đoạn sông Thị Vải kéo dài trên mười kilômét từ xã Long Thọ (Nhơn Trạch, Đồng Nai) đến thị trân Phú Mỹ (Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu) bị ô nhiễm trầm trọng. Lưu vực sông Cầu, sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng bị ô nhiễm nặng nề... Tình trạng trên đã kéo theo những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt trong lĩnh vực sức khoẻ cộng đồng nông thôn. Nhiều làng ung thư đã xuất hiện ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hải Phòng. Xung quanh khu vực xóm 1 và 2 xã Trung Nghĩa, Nghĩa Đàn (Nghệ An) người dân cũng xuất hiện nhiều bệnh lạ như rụng tóc, thần kinh, não, ung thư... Tổng số người chết bệnh là mười bảy người, số bị ốm nắng do nhiễm độc là bốn mươi người. Không chỉ ở Nghệ An, Hà Tĩnh mà tại nhiều vùng nông thôn khác, người dân phải hứng chịu nhiều chứng bệnh như viêm da, thần kinh, phổi... Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), khoảng 80% dân số Việt Nam bị nhiễm giun sán. Việt Nam cũng là nơi có tỉ lệ bệnh truyền nhiễm cao, một nửa trong tổng số các bệnh truyền nhiễm mắc cao nhất là bệnh liên quan tới nước và vệ sinh môi trường. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết tại các lưu vực sông bị ô nhiễm như ở xã Hoàng Tây, tí lệ mắc các bệnh đường ruột tăng, 21% trẻ em dưới năm tuổi bị mắc bệnh tiêu chảy, 86% trẻ em bị mắc bệnh giun đũa, 76% mắc bệnh giun tóc...