A DÀN BÀI
1.Mở bài
Nguyền Trung Thành là một nhà văn giàu tài năng. Ông sống hòa đồng, hiểu biết nhiều về lòng khát khao độc lập, tự do, tinh thần cách mạng quật khởi bất khuất của đống bào các dân tộc ít người. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dần đến thành công của truyện ngắn Rừng xà nu. Tnú là hình tượng nhân vật được Nguyễn Trung Thành xây dựng rất thành công trong thiên truyện.
2. Thân bài
Cần tập trung phân tích những ý sau:
- Tnú là một con người gan góc, dũng cảm, linh hoạt, táo bạo và trung thực.
- Tnú là một con người có tính kỉ luật cao.
- Tnú là một con người giàu tình yêu thương.
- Tnú là một con người có lòng căm thù giặc sâu sắc.
3. Kết bài
Hình tượng nhân vật Tnú mang ý nghĩa điển hình cho số phận và con đường cách mạng của dân làng Xô Man.
B. BÀI LÀM
Nguyễn Trung Thành là một nhà văn giàu tài năng. Ông có những thành công nổi bật ngay từ sáng tác đầu tay ( Đất nước đứng lên giải nhất về tiểu thuyết, giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam trao tặng 1954 - 1955). Trong cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc, ông gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên. Nhà văn sống hòa đồng, hiểu biết nhiều về lòng khát khao độc lập, tự do, tinh thần cách mạng quật khởi bất khuất của đồng bào các dân tộc. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thành công của truyện ngắn Rừng xa nu được ông viết vào mùa hè 1965, khi đế quốc Mĩ tấn công quyết liệt miền Nam nước ta. Tác phẩm này đã đạt Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu 1965 và được in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Tnú là hình tượng nhân vật được Nguyễn Trung Thành xây dựng rất thành công trong thiên truyện.
Trước hết, ta thấy Tnú là một con người rất gắn bó với cách mạng, gan góc, dũng cảm, linh hoạt, táo bạo và trung thực. Ngay từ thuở nhỏ, Tnú dám một mình vào rừng tiếp tế cho anh Quyết, cán bộ cách mạng mà không sợ bị bắt treo cổ lên cây vả đầu làng hay bị chặt đầu cột tóc treo đầu súng như anh Xút, bà Nhan. Còn khi học chữ thua Mai thì “nổi nóng”, đập bể cái bảng nứa trước mặt Mai và anh Quyết, bỏ ra suối ngồi một mình suốt ngày, “cầm một hòn đá, tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng”. Khi bị giặc vây các ngả đường, Tnú “leo lên một cây cao nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi”. Qua sông, “không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như một con cá kình” vì nghĩ rằng “qua chỗ nước êm, thằng Mĩ - Diệm hay mai phục, chỗ nước mạnh nó không ngờ”. Một lần, ngậm vào miệng cái thư định vượt thác thì bị giặc phục kích, Tnú linh hoạt, nhanh trí nuốt luôn cái thư. Khi bị giặc bắt, quấn giẻ lên mười đầu ngón tay, lấy lửa đốt. Tnú không kêu lên một tiếng nào mà còn trợn mắt nhìn kẻ thù trừng trừng: “Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lười. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi. Anh không kêu lên (...) Tnú không thèm, không thèm kêu van”. Mặc dù mỗi ngón tay chỉ còn hai đốt và phải chứng kiến tận mắt kẻ thù giết hại vợ con nhưng Tnú vẫn vượt lên mọi đau đớn, bi kịch cá nhân, hăng hái gia nhập bộ đội giải phóng để trả thù cho quê hương và những người thân.
Mặt khác, Tnú là một con người có tính kỉ luật cao. Mặt dù ba năm đi lực lượng vũ trang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phải xa quê hương, xa mái ấm gia đình, xa người thân, xa bạn bè,..., nỗi nhớ choán đầy cả cõi lòng nhưng anh không tự ý về thăm làng. Anh xin giấy phép của cấp trên, có chữ kí của người chỉ huy, trung thực trình cho chị Dit và dân làng kiểm tra trong chuyến về phép. Sau một đêm nghỉ phép, anh trở lại đơn vị đúng quy định, gửi lại sau lưng một khoảng trời nhung nhớ, luyến lưu.
Hơn nữa, Tnú là một người giàu tình yêu thương. Anh yêu bản làng tha thiết. Anh xúc động khi trở về thăm làng. Anh vừa đi theo sự hướng dẫn tận tình của bé Heng, vừa bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm ngày trước. Gặp lại một cây lớn ngã ngang đường, anh nhớ lại lúc cây này chưa ngã, anh đã gặp Mai lần đầu. Chính Mai đã bày tỏ tình yêu chân thành, thắm thiết đối với anh. Mai cầm hai bàn tay anh lúc ấy còn lành lặn, “ứa nước mắt khóc, không phải như một đứa trẻ nữa mà như một người con gái đã lớn, vừa xấu hổ vừa yêu thương. Kỉ niệm đó cắt vào lòng anh như một nhát dao cứa. Anh trợn mắt lên, như những lúc bị tra tấn đau quá trước đây”. Anh thổn thức nỗi lòng khi nhận ra tiếng chày dồn dập của làng anh - “tiếng chày chuyên cần, rộn rã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xưa, của Mai, của Dit”. Tiếng chày ấy chính là trung tâm của nỗi nhớ day dứt, nhớ mênh mang, khiến ngực đập liên hồi dù cố giữ bình tĩnh và “chân cứ vấp mãi mấy cái rễ cây ở chỗ ngã quẹo vào làng”. Còn khi cụ Mết dẫn anh ra mái nước đầu làng, dù dã rửa ở suối rồi, nhưng anh vẫn xúc động để cho vòi nước của làng mình giội lên khắp người như ngày trước. Thêm vào đó, anh là người yêu thương vợ con da diết. Không đi Kon Turn mua vải được, anh tự tay xé đôi tâm dồ (mảnh vải đắp) duy nhất của mình ra đế làm tấm choàng cho Mai dịu con. Trong cơn bi kịch, nấp ở gốc cây cạnh máng nước đầu làng, nhìn thấy cảnh kẻ thù hành hạ vợ con một cách man rợ, thú tính, lòng anh quặn thắt, tê tái. Anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hề hay biết. Rồi anh bỏ gốc cây, “chồm dậy”, “hét dữ dội”, “nhảy xổ vào bọn lính”. “Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai. Anh nguyền rủa: “Đồ ăn thịt người, tau đây! Tnú đây! ...” nhưng anh đã không cứu được vợ con thoát khỏi bàn tay hung bạo, đẫm máu của bọn giặc dữ. Đó là nỗi xót xa, đau đớn, cay đắng nhất của một người chồng, một người cha. Hơn nữa, yêu thương mọi người băng tất cả tấm lòng mình: vì lẽ đó nên Tnú vừa về đến làng, dân làng từ trẻ đến già như lũ trẻ, bé Heng, các cô gái, anh Pre, chị Blom, bà cụ Leng, bà già Prôi, ông già Tâng, cụ Mết đều ré lên, reo lên, vồn vã, vây chặt quanh Tnú mừng rỡ khôn xiết.
Đặc biệt, Tnú là một con người có lòng căm thù giặc sâu sắc. Chứng kiến cảnh người thân bị hành hạ tàn nhẫn, ngọn lửa căm thù trong lòng Tnú bốc cháy ngùn ngụt. Hai con mắt của anh như hai cục lửa lớn. Khi bị giặc dùng nhục hình, anh thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn!”. Sau này, anh dứt khoát, lạnh lùng trừng trị đích đáng kẻ đã gây tàn tật cho mình. Anh bóp chết kẻ thù bằng chính hai bàn tay cụt của mình.
Nhìn chung, cuộc đời và vẻ đẹp riêng của nhân vật Tnú được kết tụ lại trong hai bàn tay ấn tượng: bàn tay hận thù và bàn tay rửa thù.
Có thể nói Tnú là hình tượng nhân vật mang ý nghĩa điển hình cho số phận và con đường cách mạng của dân làng Xô Man. Bi kịch của cuộc đời Tnú không phải là bi kịch riêng của một cá nhân. Cả làng Xô Man có không ít người có số phận cay đắng, đau đớn, chua xót, ngậm ngùi, bất hạnh như nhân vật Tnú. Vậy nên, bi kịch cuộc đời Tnú mang ý nghĩa điển hình. Vả lại, Tnú là một anh hùng. Cụ Mết, anh Quyết, Mai, Dit, bé Heng đều là anh hùng. Cả làng Xô Man anh hùng. Do đó, Tnú là biểu tượng cao đẹp cho những phẩm chất anh hùng, hiên ngang, bất khuất, kiên cường, dũng cảm của núi rừng Tây Nguyên. Hơn thế nữa, con đường cách mạng của nhân vát Tnú gắn liền với con đường cách mạng do anh Quyết làm đại diện, gắn liền với con đường cách mạng của dân làng Xô Man, gắn liền với con đường đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Vì vậy, hành động cách mạng của Tnú có sức thôi thúc, ảnh hưởng lớn đến toàn bộ dân làng: “Thế là bắt đầu rồi. Đốt lửa lên! Tất cả người già, người trẻ, người đàn ông, người đàn bà, mỗi người phải tìm lấy một cây giáo, một cây mác, một cây vụ, một cây rựa. Ai không có thì vót chông, năm trăm cây chông. Đốt lửa lên!”.
Tóm lại, nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu cùa Nguyễn Trung Thành là một hình tượng mang vẻ đẹp mỹ học sâu sắc và dạt dào chất sử thi. Tnú chính là nhân vật điển hình đại diện cho cả cộng đồng, sống chết với cộng đồng, gắn bó mật thiết, chặt chẽ với số phận lịch sử của cộng đồng. Tnú xứng đáng là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.