Bình giảng đoạn thơ sau đây trong đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi... Đất Nước có từ ngày đó

Đề bài:

Bình giảng đoạn thơ sau đây trong đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa... ” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó...

(Văn học 12, tập một, Nxb. Giáo dục, 2000, tr.248)

Bài làm

Mở bài

Cùng một cách cảm nhận về đất nước, nhưng nếu ở những khổ thơ khác, Nguyễn Khoa Điềm thường dùng các từ ngữ, hình ảnh tượng trưng, giàu chất duy lý, thì khổ thơ mở đầu của chương Đất Nước: Khi ta lớn... Đât Nước có từ ngày đó..., nhà thơ lại sử dụng các từ ngữ, hình ảnh rất quen thuộc, bình bị trong đời sống người dân Việt Nam để trả lời cho câu hỏi: Đất nước được hình thành như thế nào?

Dĩ nhiên với cách trả lời bằng thơ, không bao giờ là những phán đoán, suy luận đơn giản, khổ thơ gợi lên trong lòng người đọc bao cảm xúc. Và, từ câu trả lời đã gợi mở sự trả lời nhiều câu hỏi khác về đất nước, nhân dân.

Thân bài

Mở đầu cho khúc ca Đất Nước của bản trường ca Mặt đường khát vọng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết:

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa...” mẹ thường hay kể

Hai câu thơ diễn tả một ý khá rành mạch: Đất nước có từ rất lâu, trong những cái “ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. Nhưng đây mới chỉ là hiển ngôn. Đúng, đất nước đã từ lâu lắm rồi, không phải bây giờ, trước cả ngày ta mới chào đời. Song vì sao lại là lớn lên mà không là sinh ra (Khi ta sinh ra)? Đất nước cũng như dân tộc, nhân dân, và những điều thiêng liêng khác cần được nhận thức. Lớn lên tức là trưởng thành, có hiểu biết. Ngày xưa, còn bé, ta chưa biết. Khi lớn lên, ta ý thức sâu sắc về đất nước cũng như những điều thiêng liêng, cao quý khác.

Đất nước thiêng liêng, nhưng đất nước cũng rất gần gũi. Đất nước không ở đâu xa. Đất nước ở ngay trong câu chuyện cổ tích mẹ ta thường kể hằng đêm. Không một câu chuyện cổ nào mẹ ta kể lại không bắt đầu bằng ngày xửa ngày xưa. Câu chuyện ấy thuộc về một thế giới xa xăm, hàng nghìn đời trước. Nhưng điều lạ là, qua lời kể của mẹ, thế giới ấy thật gần. Đất nước là như vậy đó. Đất nước đã có rất lâu. Những câu chuyện về đất nước là những câu chuyện rất xa. Nhưng cũng không có gì gần gũi, thân thiết bằng đất nước.

Những câu thơ kế tiếp hướng người đọc vào sự hình thành và phát triển của đất nước:

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó...

Ta chú ý, về hình thức, cuối câu thơ thứ hai của đoạn thơ này có dấu chấm. Như vậy, hai câu thơ trên diễn đạt trọn vẹn một ý. Bốn dòng thơ kế tiếp không có dấu câu nào cuối dòng. Đến dòng thơ thứ năm mới có những dấu chấm lửng. Dòng thơ đó kết thúc cả khổ thơ theo kiểu đúc kết lại, khai quát lên: Đất Nước có từ ngày đó... Như vậy, nếu có chia tách để phân tích, đoạn thơ được cấu trúc thành: 2 + 6 + 1.

Sáu câu ở giữa có hai câu mang tính phán đoán:

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Hai câu này cấu trúc giống nhau. Mỗi câu đều có một động từ (làm vị ngữ): bắt đầu, lớn lên. Không ai nói chính xác đất nước ta bắt đầu từ bao giờ. Nhà sử học, mỗi người nêu một số liệu. Và, ngay cả khi số liệu tưởng chừng rất chính xác cũng không nói được đầy đủ về sự bắt đầu của đất nước. Nhà thơ nói theo cách của mình: Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn. Ăn trầu là một phong tục cổ xưa của người Việt, đến nay còn tồn tại. Nó có thể là thú vui. Nhưng trước hết nó là một tập tục văn hóa. Do đó, trong miếng trầu đơn sơ, bình dị của người Việt hàm chứa một giá trị văn hóa (Vì thế, trong rất nhiều sự kiện quan trọng của người Việt luôn có mặt của miếng trầu: bàn thờ ngày giỗ, việc hiếu hỷ...). Một đất nước được sinh thành, được gọi là đất nước không phải chỉ có một dải non sông và những con người tồn tại trên đó. Đất nước chỉ thực sự là đất nước khi có văn hóa. Bởi vậy, cách cắt nghĩa đất nước được hình thành từ bao giờ theo cách nói của nhà thơ hóa ra rất chính xác, được đông đảo mọi người chấp nhận.

Nhưng đất nước không bao giờ đứng yên. Đất nước luôn phát triển. Nhà thơ viết: Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc. Lớn lên cũng có nghĩa là trưởng thành. Trải qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam phải chống chọi với biết bao cuộc chiến tranh xâm lược. Song, đất nước như một chàng trai tuấn tú, trải qua gian lao, thử thách, càng nhanh chóng trưởng thành. Các cuộc chiến tranh đó không những không khuất phục được dân tộc Việt Nam mà còn thúc giục dân tộc trở nên vững vàng hơn.

Bốn câu thơ còn lại bổ sung cho luận đề về sự hình thành và phát triển của đất nước:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất nước hình thành và phát triển từ những cái rất lớn (văn hóa, chiến tranh giữ nước). Nhưng cũng hình thành và phát triển từ quá trình lao động bền bỉ (Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng), từ tình yêu thương gắn bó trong gian lao (Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn), từ phong tục, nếp sống hàng ngày (Tóc mẹ thì bới sau đầu)... Cả bốn câu thơ này chỉ có câu: Cái kèo, cái cột thành tên nghe có vẻ khác lạ. Nó diễn tả về thời gian hơn là không gian. Cái kèo, cái cột - những vật dụng bình thường nhưng vô cùng cần thiết trong mỗi căn nhà người Việt, như bất kỳ vật dụng nào khác, ban đầu được tạo ra chưa có tên. Người ta sử dụng từ đời này sang đời khác và thấy cần thiết phải đặt tên cho nó. Bao nhiêu vật dụng gắn bó với con người đều trải qua quá trình đó. Để cái cột, cái kèo thành tên là cả một quãng thời gian đằng đẵng. Đấy cũng là quá trình sinh thành của đất nước, từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ nhỏ hẹp tới rộng lớn, giàu có.

Kết luận

Khi viết về đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không chỉ kể về sự giàu đẹp của đất nước. Nhà thơ chú trọng nói về quá trình hình thành và phát triển của đất nước với biết bao vất vả, gian lao, mồ hôi, nước mắt của hàng hàng lớp thế hệ nối tiếp nhau. Nhìn rộng ra, trong cả bài thơ Đất Nước, Nguyễn Khoa Điềm luôn nhất quán với cách nhìn như thế. Đấy cũng chính là điều nhà thơ muốn nhắn gửi với thế hệ trẻ trong những tháng năm dân tộc ta phải dồn sức vào cuộc chiến tranh khốc liệt, một mất một còn với kẻ thù. Lời nhắn gửi cho thế hệ trẻ ngày ấy đến nay hẳn vẫn còn tha thiết đối với thế hệ hôm nay.

BÀI CÙNG NHÓM
TAILIEUCHUNG - Chia sẻ tài liệu không giới hạn
Địa chỉ : 444 Hoang Hoa Tham, Hanoi, Viet Nam
Website : tailieuchung.com
Email : tailieuchung20@gmail.com
Tailieuchung.com là thư viện tài liệu trực tuyến, nơi chia sẽ trao đổi hàng triệu tài liệu như luận văn đồ án, sách, giáo trình, đề thi.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm liên quan đến các vấn đề bản quyền nội dung tài liệu được thành viên tự nguyện đăng tải lên, nếu phát hiện thấy tài liệu xấu hoặc tài liệu có bản quyền xin hãy email cho chúng tôi.
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.