HƯỚNG DẪN
1. Tỏ lòng (Thuật Hoài) gần đồng nghĩa với ngôn chí nên Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446) trong sách Nam Ổng mộng lục đã gọi tên bài thơ này là Thi chí công danh (Bài thơ nói về chí công danh). Ở loại thơ ngôn chí nói chung, thường có sự kết hợp giữa biểu cảm và lập luận (đôi khi mang tính chính luận). Riêng ở bài này, còn có sự kết hợp với yếu tố miêu tả trong hai câu đầu.
Đây là một bài thơ hết sức hàm súc, cô đọng. Muốn tìm hiểu được đúng và sâu ý nghĩa của bài thơ, không chỉ phải đặt nó vào trong bối cảnh của thời điểm lịch sử hừng hực khí thế chuẩn bị chông cuộc xâm lược của quân Mông - Nguyên lần thứ hai mà còn phải đọc kĩ các chú thích, suy ngẫm kĩ về các hình ảnh có tính chất biểu tượng trong bài thơ. Dù chỉ có 4 câu, bài thơ đã thể hiện khá đầy đủ đặc điểm thi pháp của thơ ca trung đại.
2. Về hai câu thơ đầu:
Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
(Hoành sóc giang sơn khớp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu)
a) Chữ “sóc” (ngọn giáo) có bản phiên âm là “sáo”. Giáo là vũ khí phổ biến nhất của quân sĩ ngày xưa nên ở đây còn chỉ “khí giới” nói chung (liên hệ với câu thơ đã học của Trần Quang Khải ở Ngữ văn 7: “Đoạt sóc Chương Dương độ” trong bài Phò giá về kinh..).
Câu đầu tiên khắc họa hình ảnh kì vĩ, khí phách hào hùng của người võ tướng, trước hết là của bản thân Phạm Ngũ Lão, song cũng là của cả đội ngũ tướng lĩnh.
Về sức mạnh diễn tả và ý nghĩa biểu cảm của cụm từ “non sông” (giang sơn), cần đọc kĩ lời bình của Giáo sư Đinh Gia Khánh ở phần Kiến thức bổ trợ để thấy nó đã thể hiện được “tầm vóc hoành tráng, tư thế vững chắc” của dân tộc ta lúc bấy giờ như thế nào.
Về ba từ “kháp kỉ thu” (chẵn mấy thu), đã từng có hai cách lĩnh hội và cảm nhận. Có ý kiên cho rằng, “chẵn mấy thu nói về thời gian còn ngắn ngủi”. Ỹ kiến khác lại cho rằng: “kháp kỉ thu” là “nói về một thời gian dài”: thứ nhất, “thu” vốn là cách dùng hoán dụ để chỉ “năm” nhưng trong văn chương lại thường gợi lên một thời gian xa xăm, vời vợi (nghìn thu, thiên thu, ba thu...): thứ hai, chữ “kỉ” (mấy, một số, một vài) vốn chỉ một số lượng hạn chế, nhưng trong văn cảnh, lại có khi gợi lên một số lượng nhiều, vô định (so sánh với chữ kỉ trong câu thơ cuối ở bài Cảm hoài của Đặng Dung: “Kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma”). Đặt cụm từ trong văn cảnh cụ thể - vị trí của cụm từ chỉ thời gian này (kháp kỉ thu') ở ngay sau cụm từ chỉ không gian (giang sơn) - có lẽ cách hiểu thứ hai hợp lí hơn. Hiểu như vậy sẽ thấy hình ảnh của người võ tướng đẹp hơn, hoành tráng hơn. Học sinh có quyền phát biểu cảm nghĩ riêng của mình.
b) Câu thứ hai khắc họa hình ảnh, thể hiện khí thế của toàn quân. Ớ thời Xuân Thu (Trung Quốc), chỉ có nước lớn mới được phép thiết lập “tam quân”. Chẳng hạn, ở nước Tần, đặt trung quân, thượng quân, hạ quân, tướng của trung quân làm thông soái; ở nước Sở, đặt trung quân, tả quân, hữu quân, lấy trung quân làm chủ lực. Cho nên, dùng cụm từ “tam quân”, không chỉ thể hiện được khí thế của toàn quân mà còn hàm ý “nước ta không hề nhỏ bé”. Bản thân cụm từ tì hổ (hổ báo) đã chỉ sự dũng mãnh; sự dũng mãnh đó lại được nâng cấp tột bậc nhờ cụm từ “khí thôn ngưu” đứng sau. Xưa nay có hai cách hiểu về cụm từ này. Cách thứ nhất cho “khí thôn ngưu” là “hổ báo, con non tuy chưa có vằn mà đã có khí thế nuốt trâu” (sách giáo khoa); cách thứ hai cho “ngưu” ở đây không có nghĩa là “trâu” mà là sao Ngưu, tức sao Khiên Ngưu hay sao Ngưu Lang và “khí thôn ngưu” là cách nói gọn của “khí thôn Ngưu Đẩu”. Ngưu và Đẩu là hai sao rất sáng trong “nhị thập bát tú”, tượng trưng cho các vì tinh tú nói chung. “Nuốt cả hai sao Ngưu, Đẩu”, cũng là cách nói khoa trương như “khí nuốt trâu” song tất nhiên mạnh mẽ, hoành tráng, kì vĩ hơn rất nhiều. Tiếng Trung Quốc có hàng loạt thành ngữ có cấu trúc và ý nghĩa tương đồng với thành ngữ này: “khí xung Ngưu Đẩu” (khí xông lên sao Ngưu, sao Đẩu), “khí thôn hà sơn” (khí nuốt cả núi sông), “khí thôn hồ hải” (khí nuổt cả biển, hồ), “khí thôn hồng nghê” (khí nuốt cầu vồng)... Không phải ngẫu nhiên mà Đặng Minh Khiêm, nhà thơ thế kỉ XVI đã dùng câu thơ “Ngang giáo nuốt sao Ngưu" để miêu tả hình ảnh Phạm Ngũ Lão.
Chúng tôi cho rằng cách hiểu sau có lí hơn, tuy nhiên học sinh có quyền nêu cách lí giải và cảm thụ riêng của mình, cần lưu ý là hiểu theo cách nào thì đây cũng là lối nói khoa trương mang ý nghĩa biểu tượng và hai ý nghĩa này không hề mâu thuẫn nhau về bản chất.
3. Về hai câu thơ sau:
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.
(Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu).
a) Không nên phân tích ý nghĩa từng câu một vì hai câu tạo nên một chỉnh thể. Chủ đề “Xấu hổ khi nghe người ta nói chuyện Vũ hầu” không phải là một cá nhân nào, cũng không phải là bất cứ ai mà chỉ là những kẻ “nam nhi chưa trả được nợ công danh”. Đây là phương thức trữ tình gián tiếp: nhắc nhở tình trạng chưa thực hiện “chí công danh” để tự động viên, đồng thời cũng có tác dụng khích lệ, kích động người khác. Ớ đây, chủ thể trữ tình không chỉ còn là một người nữa mà đã chuyển thành cả “giới”, cả mọi đấng nam nhi. Tuy có hạn chế lịch sử trong sự phân biệt nam nữ nhưng vẫn thể hiện được ý thức trách nhiệm cao độ của cả một thế hệ, một tầng lớp đang đảm nhiệm trọng trách đối với dân tộc trong một thời điểm lịch sử đặc biệt.
b) Vũ hầu tức Gia Cát Lượng, không chỉ tượng trưng cho sự tuyệt đỉnh của trí tuệ (trí tuyệt), là một nhà quân sư đại tài, mà còn là một vị đại thần tận trung với sự nghiệp của nhà Thục Hán. Tuy vì quá lao tâm khổ lực mà ông đã qua đời khi lí tưởng chưa thực hiện và sau đó không lâu, sự nghiệp nhà Thục Hán cũng tiêu tan, song binh pháp Gia Cát Lượng, tấm lòng trung trinh, tinh thần tận tụy của ông vẫn luôn được đời sau ngưỡng mộ, học tập. Kết thúc bài Vịnh hoài cổ tích số 5, Đỗ Phủ đã hết lời ca ngợi công tích của ông: “Gia Cát đại danh thùy vũ trụ” (Danh tiếng lớn lao của Gia Cát bao trùm vũ trụ). Coi công danh, sự nghiệp của Gia Cát Lượng như một mục tiêu vươn tới. Hoài bão, chí hướng của Phạm Ngũ Lão quả thật phi thường.
4. Khát vọng công danh thường là sự thể hiện hoài bão, lí tưởng của nam nhi trong xã hội phong kiến, song nó có phần cao cả và cả phần dung tục. Nó phát huy được phần cao cả khi khát vọng đó gắn liền với ý thức trách nhiệm chính đáng đối với “quân thân” (vua và cha mẹ), với nước, với dân nhưng nó cũng có thể rơi vào chỗ dung tục khi vì đuổi theo những tước vị, lợi lộc mà hăm hở hoặc buộc phải làm những việc xấu xa, phi nghĩa. (Thông qua việc thực hiện bài tập nâng cao, học sinh có thể làm rõ thêm điểm này).
Khát vọng công danh của Phạm Ngũ Lão thể hiện trong bài Tỏ lòng là một khát vọng cao đẹp vì nó gắn liền với khát vọng chiến thắng giặc ngoại xâm. Bởi vậy nó là một biểu hiện đặc thù của lòng yêu nước ở một lớp người đương thời, cũng là biểu tượng của truyền thông yêu nước quý báu của cả dân tộc ta trong trường kì lịch sử.