Ngôn ngữ trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Truyện Kiều là một trong những tác phẩm lớn của nền văn học dân tộc. Tác phẩm đã đưa Nguyễn Du trở thành đại thi hào của dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới. Người ta đã biết đến Truyện Kiều của Nguyễn Du như biết về những gì bình dị nhất gần gũi nhất trong cuộc sống. Một trong những nét thành công của Nguyễn Du trong Truyện Kiều đó là cách sử dụng ngôn ngữ.

Trước hết Truyện Kiều được Nguyễn Du lấy cốt truyện từ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tác phẩm kể về cuộc đời, số phận bất hạnh của người phụ nữ hồng nhan nhưng bạc mệnh - Thuý Kiều. Đồng thời qua tác phẩm, Nguyễn Du đã cho chúng ta thấy bức tranh chân thực của xã hội thời kỳ phong kiến với đầy rãy những ngang trái, bất công.

Nguyễn Du đã đi sâu vào cuộc đời và số phận của Thuý Kiều. Đồng thời cũng cho thấy sự tài tình của Nguyễn Du.

Người ta đã nói Nguyễn Du là bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ.

Thành công của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ có một ý nghĩa hết sức to lớn.

Cũng như tất cả các tác phẩm văn học đương thời ngôn ngữ trong Truyện Kiều có hai thành phần thuần Việt và Hán Việt. Theo thống kê của tổ tư liệu Viện ngôn ngữ học thì trong số 3412 từ của Truyện Kiều thì có 1310 từ Hán Việt, tức từ Hán Việt chiếm tỷ lệ 35% trong tổng số từ của tác phẩm. Nhân dân ta dường như có ý thức về điều đó.

Truyện Kiều anh đã thuộc lòng

Đố anh kể được một dòng chữ Nho.

Từ Hán Việt Nguyễn Du dùng, thường là những từ phổ biến rộng rãi đối với thời đại bấy giờ. Nguyễn Du đã cố gắng Việt hoá bằng cách dựa vào từ Hán để tạo ra từ mới do Tiếng Việt.

Trong Truyện Kiều, chúng ta thấy những điển cố mà Nguyễn Du dùng nếu không phải là quen thuộc đối với mọi người:

Biết bao bướm lả ong lơi

Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm.

Trong Truyện Kiều rất hay được dùng song song những từ thuần Việt, với những từ Hán Việt với cùng một ý nghĩa. Cùng khái niệm bố mẹ trong Truyện Kiều có những từ: hai thân, song thân, hai đường cùng một khái niệm người mối lái có những từ: nhà băng, băng nhân, mối, cùng một khái niệm, mặt trăng thì trong Kiều có những từ: mặt trăng, vành trăng, cung trăng, cung Quảng, gương nga, bóng nga, chị Hằng...

Với một khối lượng phong phú những từ đồng nghĩa bao gồm từ Thuần Việt, Hán Việt và từ Hán Việt được Việt hoá bằng cách dịch như vậy, nhà thơ có thể tránh được bệnh trùng lặp, đơn điệu, có thể gieo vần một cách uyển chuyển, có thể làm âm hưởng của câu thơ được dồi dào, sinh động.

Trong số hai từ Thuần Việt đàn bà và gái tơ có:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Và:

Cớ sao chịu tốt một bề

Gái tơ mà đã ngứa nghề gớm sao.

Hoặc có hai từ Hán Việt là hồng nhan; hồng quân.

Hồng quân với khách hồng quần

Đã xoay đến thế còn vần chưa tha!.

Đó là việc sử dụng những từ thuần Việt. Và thành công nhất của Nguyễn Du đó là sử dụng ngôn ngữ dân tộc, thể thơ lục bát. Một trong những thể thơ truyền thống trong văn học của dân tộc.

Ngôn ngữ trong Truyện Kiều gần gũi với ca dao, rút ra từ ca dao như:

Vầng trăng ai sẽ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường!

Hoặc:

Sầu đong càng rắc càng đầy

Hai thu đọng lại một ngày dài ghê.

Là rút từ câu ca dao:

Ai làm cho bướm lìa hoa

Cho chim xanh nó bay qua vườn hồng.

Ai đi muộn dặm non sông

Để ai chất chứa sầu đông vơi đầy.

Ca dao trong Truyện Kiều được nhà thơ sử dụng như một thứ ngữ liệu nghệ thuật. Không có câu nào ông dùng lại nguyên vẹn, mà tất cả đều nhào nặn cấu tạo lại cho phù hợp với phong cách chung của nhà thơ trong tác phẩm.

Ngoài ra Nguyễn Du đã sử dụng rất nhiều thành ngữ tục ngữ. Như:

Ra tuồng meo mả gà đồng

Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.

Bề ngoài thơm thớt nói cười

Bề trong nham hiểm giết người không dao.

Ca dao, tục ngữ thành ngữ và lời ăn tiếng nói hàng ngày đi vào thơ Nguyễn Du chan hoà, tan biến trong phong cách của nhà thơ.

Ngôn ngữ trong Truyện Kiều vừa trong sáng, súc tích đồng thời vừa giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu. Đối với Nguyễn Du ngôn ngữ thơ bao giờ cũng phải kết hợp với âm nhạc với hội hoạ:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Hoặc:

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.

Hay:

Long lanh đáy nước in trời

Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.

Miêu tả bất cứ đối tượng nào Nguyễn Du cũng viết như vậy: Tiếng đàn đau đớn nghe như: Rỏ máu năm đầu ngón tay, cảnh sinh ly từ biệt: Lệ rơi thấm đáy tơ chia rủ tằm, nỗi buồn sầu đong càng lúc càng đầy.

Thể thơ lục bát chất chứa những khả năng tu từ to lớn. Khả năng tu từ trong thơ lục bát chủ yếu thể hiện ở sự kết hợp từ thanh bằng với từ thanh trắc, ở cách gieo vần, cách đối và cách ngắt nhịp của nó. Dưới ngòi bút của Nguyễn Du thể lục bát trang Truyện Kiều thiên biến vạn hoá.

Nguyễn Du đã kết hợp được một cách hài hoà biện chứng đặc điểm vốn có về nhịp điệu của thơ lục bát do đặc trưng của ngôn ngữ quy định với việc dùng cách ngắt nhịp như một biện pháp tu từ đế bộc lộ ý nghĩa bộc lộ nội dung. Trong câu sáu của Nguyễn Du thường có kiểu ngắt nhịp 2 - 2 - 2; 2 - 4; 3 - 3; 1 - 5 trong câu 8 có những kiểu ngắt 2 - 2 - 2 - 2 - 2; 3 - 5; 4 - 4; 5 - 3; 2 - 6; 6 - 2; 2 - 2 - 4; 3 - 1 - 4...

Ví dụ: Rằng trăm năm cũng từ đây (1 -2-3)

Rằng như hẳn có thể thì (1 - 5)

Còn non, còn nước, còn dài (2-2-2)

Và nhịp trong câu tám:

  1. Nửa chừng xuân, thoắt gãy cành thiên hương (3-1-4)
  2. Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh (4-4)
  3. Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh, cùng gần (2 - 1 - 3 - 2).

Vần và đối trong Truyện Kiều cũng được Nguyễn Du khai thác triệt để và sử dụng linh hoạt.

Nguyễn Du đã dùng đối như một nghệ sĩ tài ba. Dưới ngòi bút của ông, nhờ biện pháp đối mà các thành phần cũng như các từ ngữ trong câu, trong đoạn có dịp đối chịu với nhau, để phát ra ánh hào quang.

Đi vào tìm hiểu ngôn ngữ Truyện Kiều chúng ta thấy được những đặc điểm cơ bản trên.

Do đó mà những câu thơ trong Truyện Kiều dường như câu nào cũng óng ánh. Nó vừa thoả mãn được tình cảm, vừa thoả mãn được trí tuệ, và thoả mãn được mỹ cảm của người đọc.

Nguyễn Du đã thâu tóm được trong tác phẩm của mình những tinh hoa của ngôn ngữ bác học, với ngôn ngữ bình dân, đã nhào nặn và nâng cao góp phần tạo nên thành công về ngôn ngữ trong Truyện Kiều.

Và nói về phương diện sử dụng ngôn ngữ Nguyễn Du đã trở thành một trong những nhà ngôn ngữ bậc thầy có một không hai trong lịch sử văn học.

BÀI CÙNG NHÓM
TAILIEUCHUNG - Chia sẻ tài liệu không giới hạn
Địa chỉ : 444 Hoang Hoa Tham, Hanoi, Viet Nam
Website : tailieuchung.com
Email : tailieuchung20@gmail.com
Tailieuchung.com là thư viện tài liệu trực tuyến, nơi chia sẽ trao đổi hàng triệu tài liệu như luận văn đồ án, sách, giáo trình, đề thi.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm liên quan đến các vấn đề bản quyền nội dung tài liệu được thành viên tự nguyện đăng tải lên, nếu phát hiện thấy tài liệu xấu hoặc tài liệu có bản quyền xin hãy email cho chúng tôi.
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.