Được đọc cuốn Lá cờ thiêu sáu chữ vàng cũng đã lâu rồi, nhưng trong tâm trí em như đang phấp phới lá cờ trận đỏ chói của người thiếu niên mười sáu tuổi đánh quân Nguyên tự thuở nào “căng phồng lên trong gió hè lồng lộng thổi... đi mãi, đi mãi tới những nơi nào còn có bóng quân Nguyên”. Từ vài dòng còn ghi trên trang lịch sử, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã làm sống dạy thật đẹp cả một trang anh hùng trong một triều đại anh hùng, in đậm trong em những cảm nhận vừa mến phục vừa phấn chấn tự hào.
Ngay từ trang mở đầu, em đã được hả hê cùng Hoài Văn Hầu trong giấc mộng bắt trói Sài Thung - viên sứ thần ngạo ngược của quân Nguyên. Em hoàn toàn đồng tình với câu hỏi giận dữ: “Ai chủ hòa? Dâng giang sơn gấm vóc này cho giặc hay sao?” Và lời tâu như thét lên đầy dũng khí của Hoài Văn: “Xin quan gia cho đánh!”. Em rất thông cảm với sự phẩn nộ của chàng khi không được dự hội nghị Bình Than. Nhiệt tình yêu nước thù giặc sục sôi khiến chàng không thể bằng lòng với cương vị ngoài cuộc, không thể không bộc lộ quan điểm của mình trong lúc Tổ quốc lâm nguy. Hành động liều mạng bất chấp phép tắc Triều đình, xét đến cùng, chính do nhiệt tình trung quân ái quốc của tuổi trẻ bộc phá mà ra, đúng như lời phán độ lượng của vua Thiệu Bảo: “Biết lo cho vua cho nước, chí ấy đáng trọng”.
Càng đáng trọng biết bao, khi Trần Quốc Toản không chỉ thể hiện nhiệt tình cao quý ấy bằng lời, mà còn tự nguyện thể hiện nó bằng hành động, trước hết bằng cử chỉ đã được ghi lại sáng ngời trong lịch sử sách; sức phẫn nộ, chí diệt thù đã chuyển một phần thành năng lượng bóp nát quả cam vua ban trong tay lúc nào không biết! Chàng trai hừng hực nhiệt tình ấy đã luyện tập miệt mài ngày đêm, nôn nóng “làm thế nào cho ta bằng chú ta được? Ba keo liền bị Chiêu Thành Vương vật ngã trắng bụng “vẫn hăng máu xin vật nữa...” Điều đó cho em thấy không chỉ gan to, chí quyết của một Hoài Văn, mà còn khiến em hết sức tự hào với tráng khí của một thời đã từng khắc hai chữ “Sát Thát” vào tay, quyết châu chấu đá xe, với một kẻ thù khổng lồ khét tiếng hung bạo thiện chiến suốt từ Âu sang Á.
Giống như Thánh Gióng thuở xưa, từ cơm cà mẹ nuôi mà gồng mình lớn vượt đi dẹp giặc Ân, em rất cảm động thấy Hoài Văn vừa nêu cao chữ trung, vừa không quên chữ hiếu, khi chàng xin mẹ may cho lá cờ Sáu chữ để “đến khi xông pha chiến trận, con nhìn lá cờ mà thấy được mẫu thân”. Cũng kế tục dũng khí Thánh Gióng nhổ gốc tre quật giặc, phát huy quyết tâm chiến thắng như trong ba keo vật chú trước kia, trong trận đánh Toa Đô, Hoài Văn đã dũng cảm ba phen giáp chiến với hổ tướng này, đánh cho y phải bỏ chạy tháo thân. Rõ ràng “Tuổi trẻ, chí cao”. Hoài Văn đã không hổ thẹn với lời thề “đuổi giặc cứu dân” của mình trong buổi xuất quân, đã xứng đáng với lời trầm trồ kinh ngạc của bậc cha chú: “Chú không ngờ! Thật chú không ngờ!”. Uy phong Trần Quốc Toản ngợi ca nhớ đến uy phong “ Ông nhỏ của Lí Tự Trọng trước kẻ thù, của Đoàn Văn Luyện sinh lớp 7 lần đầu sử dụng B40 đã diệt liền hai xe tăng giặc...
Em vô cùng tự hào với tấm gương lịch sử rạng ngời của Hoài Văn Hầu - Trần Quôc Toản đã được miêu tả sống động, đầy vẻ đẹp hấp dẫn trong truyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Em tự nhủ: nếu trước kia, Trần Quốc Toản đã ý thức được “khi quốc biến thì đứa trẻ cũng phải lo”; không lẽ ngày nay trước cảnh lạc hậu nghèo nàn của đất nước, thế hệ nhà trường chúng em lại có thể thờ ơ mơ hồ với trách nhiệm lịch sử phải đảm nhận ấy của mình?