Phân tích hình ảnh người lính Tây Tiến được tập trung khắc họa trong đoạn 3 của bài thơ Tây Tiến (Quang Dũng)

Quang Dũng gọi tên đoàn binh của mình bằng một đặc điểm rất ngộ nghĩnh thú vị: không mọc tóc. Câu thơ thoáng nghe tưởng là lạ, ngẫm lại mới thấy hay, không trực tiếp miêu tả cái khốc liệt của chiến trường nhưng hiện thực tàn ác của chiến tranh đã được khắc sâu sống động. Người lính Tây Tiến gọi chính những gian khó, thiếu thốn, vất vả của mình thành một niềm kiêu hãnh. Thấy ngay trong chính bệnh tật, đau khổ một sự tự tin, chủ động, vui nhộn và hóm hỉnh. Khó khăn, gian khổ được gọi tên mà sao đầy say mê, tự hào, kiều hãnh. Người ta không thấy một lời kêu than, không thấy một sự mệt mỏi, dường như nụ cười vẫn lấp lánh trong đoàn binh có cái tên lạ lùng ấy! Người lính Tây Tiến không chỉ biết chấp nhận hoàn cảnh sẵn sàng đón nhận gian khó mà cao hơn thế, họ ngạo nghễ vượt qua nó, lấy nó làm nụ cười, làm một tên gọi cho chính mình. Họ lấy cái ngạo nghễ, anh hùng ấy để đối lập, đối diện với hiện thực tàn khắc của chiến tranh. Ba tiếng dữ oai hùm dằn mạnh giống như sự rắn rỏi, mạnh mẽ của khí phách người lính Tây Tiến. Những câu thơ nói về đau thương, thiếu thốn, gợi ra sống động cái khốc liệt của chiến tranh nhưng lại khẳng định nhấn mạnh cái anh dũng, kiên cường, khí phách hiên ngang của người lính Tây Tiến. Người ta quên đi những gian khó, không để ý đến những thiếu thốn, vất vả, cái còn lại trong lòng người đọc là một niềm tin yêu, ngưỡng mộ trước những con người anh hùng của một thời đại anh hùng.

Về với người lính Tây tiến, về những con người anh hùng, bất khuất ấy. Quang Dũng còn dành những nét vẽ rất tài hoa, thơ mộng:

Mắt trừng gởi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Người lính Tây Tiến mạnh mẽ, rắn rỏi trong chiến đấu nhưng cũng hết sức lãng mạn, say mê trong những phút giây thơ mộng, ở họ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư chất của một anh hùng và phong cách của một trí thức lãng mạn. Bao nhiêu yêu thương, nhớ mong, mộng ước của họ được gửi gắm, dồn tụ ở hình ảnh mắt trừng. Biên giới và Hà Nội hoa lệ có một khoảng cách rất xa xôi, người lính Tây Tiến muốn lấy được mộng ước, khát vọng của mắt nhìn đau đáu làm cầu nối thu ngắn không gian, kéo hẹp khoảng cách. Hình ảnh mắt trừng không chỉ gợi một nỗi niềm đau đáu khôn nguôi mà còn như chất chứa bao khắc khoải, mong chờ. Không chỉ là niềm yêu niềm nhớ, gửi gắm trong mộng ước của họ còn là ước vọng, niềm tin mãnh liệt, thao thức nhớ thương. Ánh nhìn của người lính Tây Tiến không tan đi trong không gian, không mờ đi trong đêm tối của núi rừng Tây Bắc, nó cứ trao mãi vào lòng người đọc và gõ lên những nhịp thương nhớ khôn cùng. Dáng kiều thơm và một Hà Nội phồn hoa xa xôi chính là nguyên do của nỗi niềm mong nhớ ấy. Đó không phải là một bóng dáng cụ thể nào, cũng không chỉ bó hẹp trong một tình yêu đôi lứa, nỗi niềm thương nhớ trào dâng của người lính Tây Tiến cao hơn là một nỗi nhớ nước, yêu nhà, là một tình yêu quê sâu đậm. Bởi vậy, đôi mắt nhớ thương của đoàn binh Tây Tiến không phải là mộng rớt của thứ lãng mạn rẻ tiền, nó vừa có nét dữ dằn, khỏe khoắn của tư chất người lính, vừa tha thiết một nỗi niềm thương nhớ cao đẹp khôn nguôi. Hình ảnh người lính Tây Tiến là một bức tượng đài đẹp đẽ với tư thế hiên ngang, với khí phách anh hùng và có cả những say mê, ước vọng lãng mạn, đẹp đẽ. Nhưng thơ Quang Dũng còn tả rất thực về những mất mát, hy sinh của đoàn binh Tây Tiến. Không thi vị hóa hiện thực, ngòi bút thơ Quang Dũng dám nhìn nhận vào những tổn thất tất yếu của con người trong chiến tranh tàn khốc. Hình ảnh người lính Tây Tiến cũng có những phút giây mỏi mệt:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chữ dãi dầu đã lột tả được hết sự khắc nghiệt của cuộc chiến đấu. Bao nhiêu sóng gió, hiểm nguy, gian khó phủ lên đầu người lính, nên mệt mỏi, dãi dầu là những phút giây đương nhiên. Người lính Tây Tiến không rũ bỏ, quay lưng với kháng chiến, phải chăng phút giây phó mặc, bất cần, đầy ngạo nghễ của người lính cũng là tất yếu đó sao? Điều đó đáng cảm thông, chia sẻ chứ đâu phải đáng lên án chỉ trích đây? Không nên chỉ chú trọng đến những phút giây như thế nào quy chụp tội lỗi, miêu tả như vậy chẳng phải Quang Dũng đã vẽ những nét vẽ chân thực nhất về cuộc sống? Không chỉ dám nói, dám nhìn thẳng những phút giây như thế, Quang Dũng còn dành những dòng kiêu hùng nhất để viết về cái chết của họ:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Ngay chính trong cái chết, người lính Tây Tiến vẫn thể hiện, khẳng định được khí phách anh hùng, tư thế ngạo nghễ của mình. Người ta có thể rùng mình ghê sợ trước cái lạnh lẽo, hoang vu của những mồ viễn xứ nhưng không khỏi tự hào, kiêu hãnh trước sự hy sinh bất khuất anh hùng của đoàn binh. Những từ Hán Việt được sử dụng trang trọng giống như những nét tâm hương trước họ. Một manh chiếu bọc người được Quang Dũng gọi kiêu hãnh tự hào là áo bào. Sự ra đi của người lính Tây Tiến là một hiện thực tất yếu của chiến tranh nhưng người ta không thấy cái đau thương bi lụy, cái còn lại treo mãi trong tiễn người là dư ba mênh mang, vang vọng của khúc độc hành sông Mã. Đó giống như một khúc tráng ca tiễn đưa người anh hùng về với đất Mẹ. Cảm thấy trong lời thề sống dậy một niềm kiêu hãnh tự hào, người ta quên đi nỗi xót xa, lạnh lẽo, tái tê của sự hi sinh. Sự hi sinh của người lính Tây Tiến được đặt giữa đất trời, thiên nhiên, có đất mẹ dang tay đón đợi, có dòng sông Mã anh hùng dạo lên khúc tráng ca đó chẳng phải là một sự hy sinh đẹp đẽ, cao quý nhất hay sao? Hy sinh anh hùng cũng là một đặc điểm đẹp đẽ hoàn thiện hình ảnh của người lính Tây Tiến.

Đoạn thơ viết về chân dung người lính trong bài thơ Tây Tiến là đoạn thơ độc đáo nhất. Khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn được nhà thơ kết hợp vận dụng sáng tạo trong miêu tả và biểu lộ cảm xúc, tạo nên những câu thơ có hồn. Người lính đã sống anh dũng, chết vẻ vang. Trong thơ ca kháng chiến chống Pháp, hình ảnh người chiến sĩ được miêu tả chân thực và đẹp qua những sáng tác như Đồng chí của Chính Hữu, Lên Tây Bắc và Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên,... Quang Dũng đã đóng góp vào bức tranh chung đó một gương mặt đẹp của người lính thủ đô chiến đấu ở chiến trường xa, vùng núi biên giới Việt - Lào. Có thể nói, Quang Dũng đã thành công khi chạm khắc một tượng đài bất tử về những người lính vô danh một thời đánh giặc không thể nào quên.

BÀI CÙNG NHÓM
TAILIEUCHUNG - Chia sẻ tài liệu không giới hạn
Địa chỉ : 444 Hoang Hoa Tham, Hanoi, Viet Nam
Website : tailieuchung.com
Email : tailieuchung20@gmail.com
Tailieuchung.com là thư viện tài liệu trực tuyến, nơi chia sẽ trao đổi hàng triệu tài liệu như luận văn đồ án, sách, giáo trình, đề thi.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm liên quan đến các vấn đề bản quyền nội dung tài liệu được thành viên tự nguyện đăng tải lên, nếu phát hiện thấy tài liệu xấu hoặc tài liệu có bản quyền xin hãy email cho chúng tôi.
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.