Hãy phân tích hình tượng "sóng" và nêu cảm nhận của mình về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ "sóng” của Xuân Quỳnh?

Bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967, in lần đầu trong tập “Hoa dọc chiến hào”, xuất bản năm 1968.

Bài thơ là lời tác giả nói với mình, nói với người về tình yêu trẻ trung, nồng nhiệt gắn với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.

Đầu đề bài thơ là " Sóng”, toàn bài được dệt bằng hình tượng trung tâm ấy. Xuân Quỳnh đã nối tiếp một truyền thống trong văn học ta là lấy sóng để hình dung tình yêu:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

Bắt đầu là sóng nước. Đúng là như vậy, không kể ở sông hay ở bể, có lúc sóng dữ dội, ồn ào, có lúc lại dịu êm, lặng lẽ. Sóng luôn luôn biến đổi muôn hình muôn vẻ. Quan sát những biểu hiện đa dạng của sóng, Xuân Quỳnh tìm thấy sự tương hợp với từng trạng thái tâm hồn của con người khi yêu. Đó là những trạng thái nhiều khi trái ngược, nó chứa đựng những khát khao to lớn về một tình yêu chân chính.

Từ sông, “Sóng tìm ra tận bể” nơi mênh mông rộng, vô cùng sâu, trời nước bao la, có nồm nam êm nhẹ, có bão tố dữ dội... Ở nơi như thế, may ra sóng mới hiểu nổi mình.

Mượn sóng để làm biểu tượng cho tình yêu, miêu tả sóng với những đặc điểm kì lạ cũng là để nói tới cái phức tạp, đa dạng, khó giải thích của tình yêu. Giống như sóng, tình yêu cũng là một hiện tượng khó lí giải cho rõ ràng, minh bạch. Tình yêu là vậy, nhưng khát vọng tình yêu của con người thì muôn đời không thay đổi. “Con sóng ngày xưa ”thế nào thì con sóng “Ngày sau vẫn thế”. Đó là quy luật bất di bất dịch của tự nhiên và quy luật tình yêu.

Nếu “Sóng tìm ra tận bể” để tự hiểu mình thì em cũng sẽ tìm đến tình yêu anh để hiểu sâu hơn về con người đích thực của em. Giữa đại đương mênh mông ấy, nơi nào là nơi bắt đầu của sóng? “Sóng bắt đầu từ gió”. Có gió mới có sóng, tất nhiên là vậy. Thế “Gió bắt dấu từ đâu”! Câu trả kời không phải dễ dàng. Thế là “ra tận bể” mà sóng cũng vẫn chưa hiểu nổi mình. Em cũng hoà nhập vào biển lớn của tình yêu anh mà nào em đã hiểu em? Em yêu anh từ đâu? Giọng nói? Nụ cười? Ánh mắt? “Em cũng không biết nữa” và chỉ cần hiểu rằng “ta yêu nhau” là đủ. Tâm trạng ấy có lẽ là điển hình của người đang yêu chăng?

Như vậy sóng là biểu tượng của tình yêu. Và sóng cũng là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng. Nó choán đầy không gian, thời gian, nó hiển hiện mọi nơi, mọi lúc:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Vẫn mượn chuyện sóng để nói chuyện người. Tình yêu của em chính là sóng đó. Chỉ có sóng đại đương mênh mông mới có thể sánh được với khát vọng tình yêu của em, “Con sóng dưới lòng sâu, con sóng trên mặt nước” là những cung bậc khác nhau của nỗi em nhớ anh. Nỗi nhớ có cái biểu hiện trên bề mặtt mà cũng có cái ẩn chứa tận “dưới lòng sâu”. Thức mà nhớ, không nói làm gì; trong mơ mà nhớ là cái nhớ đến dày vò, thao thức. Tình yêu là vậy: “Lòng em nhớ đến anh, Cả trong mơ còn thức”.

Ở trên đang còn che giấu ít nhiều nhờ lời sóng thì đến đây bỗng nhiên vứt bỏ cái vỏ vay mượn ấy đi, để trái tim tự thốt lên lời. Trái tim đòi nói thật bởi nó đầy ắp tình yêu và tình yêu ấy cũng đã chín muồi.

Con sóng khao khát tới bờ để vỗ về, ve vuốt; em cũng khao khát mong được đến với anh, hoà nhập trong tình yêu anh. Tinh yêu và khát vọng của người phụ nữ thật trong sáng và mãnh liệt.

Xuân Quỳnh còn mượn sóng để nói lên lòng chung thuỷ và niềm tin son sắt:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở

Hãy nhìn những con sóng đại dương. Dù gió xô bão giật tới phương nào đi nữa, cuối cùng sóng vẫn trở về với bờ. Em cũng vậy. Cho dù gặp bao khó khăn, em cũng sẽ vượt qua hết để đến với anh, bởi tình yêu đã cho em sức mạnh. Niềm tin và nghị lực, em tìm thấy ở thiên nhiên và ở chính mình. Khi đã yêu thực lòng, “Dù muôn vời cách trở”, chúng ta vẫn đến được với nhau. An ủi động viên mình và cũng là an ủi, động viẽn người yêu để có thêm ý chí trèn đường đi tìm hạnh phúc.

Cuối cùng, khát vọng tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu cũng được gửi gắm vào hình tượng sóng. Người phụ nữ mong muốn được sống trọn vẹn cho tình yêu và được hòa nhập với thiên nhiên vĩnh hằng bằng tình yêu của mình. Nỗi trăn trở đã thành bức xúc: “Làm sao được tan ra, Thành trăm con sóng nhỏ” trong đại dương bao la, vô tận kia để được sống mãi và yêu mãi: “Giữa biển lớn tình yêu, Để ngàn năm còn vỗ”.

Tình yêu bùng lên thành khát vọng. Khát vọng sôi sục mà vẫn khiêm nhường, đầy nữ tính. Mỗi câu, mỗi chữ trong đoạn thơ đều được chọn lựa, sắp xếp khéo léo nên giá trị biểu cảm rất cao.

Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã làm nổi bật tâm trạng người con gái Việt Nam khi yêu dịu dàng, thủ thỉ, đằm thắm mà không kém phần sôi nổi, mãnh liệt. Nét đẹp ấy được thể hiện bằng một hình thức tưởng như cũ mà lại rất mới. Hình tượng sóng nhiều nhà thơ lớp trước đã sử dụng nhưng vào thơ Xuân Quỳnh nó lại mang một vẻ đẹp lấp lánh, khác lạ.

Người đọc yêu mến bài thơ “Sóng” vì nó đã biểu hiện những gì tinh tế nhất, huyền diệu nhất của một tâm hồn phụ nữ khi yêu và một trái tim nhạy cảm luôn khao khát yêu thương.

BÀI CÙNG NHÓM
TAILIEUCHUNG - Chia sẻ tài liệu không giới hạn
Địa chỉ : 444 Hoang Hoa Tham, Hanoi, Viet Nam
Website : tailieuchung.com
Email : tailieuchung20@gmail.com
Tailieuchung.com là thư viện tài liệu trực tuyến, nơi chia sẽ trao đổi hàng triệu tài liệu như luận văn đồ án, sách, giáo trình, đề thi.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm liên quan đến các vấn đề bản quyền nội dung tài liệu được thành viên tự nguyện đăng tải lên, nếu phát hiện thấy tài liệu xấu hoặc tài liệu có bản quyền xin hãy email cho chúng tôi.
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.