Muốn viết văn thì trước hết phải đọc. Người ta đã ví nhà văn với con tằm. Tằm có ăn dâu rồi mới nhả được tơ. Nhà văn cũng phải đọc nhiều rồi mới viết được.
Vì sách giúp ta kiếm ý "Không có gì mới dưới ánh sáng mặt trời này hết", lời đó không ngoa lắm nếu xét về tư tưởng của loài người. Đọc mười cuốn sách, ta chưa chắc đã kiếm được ý mới, và những ý mà người ta tưởng là mới thì cũng đã có người diễn từ trước rồi. Chẳng hạn so sánh những cuốn xuất bản gần đây ở Pháp với những cuôn viết trong các thế kỉ trước về nghệ thuật diễn thuyết, ta thấy ít chỗ khác nhau. Có vài điều mới mà cổ nhân chưa bàn tới như cách luyện giọng, tập thở, trang hoàng phòng diễn thuyết, nhưng đó chỉ là những tiểu tiết, hoặc những phát minh về khoa học mà thời xưa chưa biết được, còn những quy tắc quan trọng về khoa ăn nói thì nay cũng như xưa.
Cả những hình ảnh trong văn chương cũng vậy.
Khi Xuân Diệu viết:
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm
Thì lối dùng hai tiếng "đi ngủ" để nhân cách hóa mặt trời đó hay lắm chứ. Nhưng người Pháp đã nói từ ngàn xưa rằng mặt trời đi ngủ. Vậy thì hình ảnh ấy chẳng mới mẻ gì cả. Tuy nhiên, ta vẫn phải khen thi sĩ. Nhờ có tiếng "lạnh" đứng trưởc mà hai tiếng "đi ngủ" hóa ra đắc thế. Đọc lên, ta có cảm tưởng ngay rằng mặt trời cũng sợ lạnh và buồn cảnh u ám của mùa đông như bạn và tôi vậy. Nhưng nếu nói: sáng 6 giờ mặt trời dậy và chiều 7 giờ mặt trời đi ngủ thì hai tiếng "đi ngủ" này rất ngô nghê.
Vậy ta phải đọc sách, để mượn ý, rồi phê diễn một cách khác đi. Hết thảy các văn nhân đại tiền đều mang nợ tiền nhân. Cốt truyện Le Cid nào phải của Comeille và cốt truyện Thúy - Kiều cũng không phải của thi hào họ Nguyễn.
Sách còn giúp ta được nhiều điều khác nữa.
Nhờ nó ta học được những tiếng mới, từ chính tả tới nghĩa đen, nghĩa bóng và cách dùng.
Nhờ nó, ta mới biết được những điều lạ và óc tưởng tượng của ta mới dễ nẩy nở.
Hứng cạn ư? Đọc sách thì hứng sẽ thao thao chảy lại.
Chưa tìm được xu hướng trên đường văn nghệ ư? Cũng lại đọc sách thì sẽ thấy. Hễ gặp lối văn nào làm cho say mê nhát thì luyện nó đi, bạn sẽ dễ thành công trên đường văn nghệ.
Bạn thiếu óc thẩm mĩ ư? Thì vẫn cũng lại nhờ sách. Khiếu thẩm mĩ là cái khả năng cảm được những cái hay và những cái dở trong các tác phẩm. Luyện nó cũng như luyện đức. Ở lâu bên ngoài quân tử, ta đồng hóa thì đọc tác phẩm của các loại văn hào, ta cũng tập được cái nhân đức về văn chương. Ngoài ra, không có cách nào khác.
Cuối cùng, nhờ đọc sách mà ta học cách hành văn của tác giả. Nhiều khi chúng ta bắt chước mà không hay lôi văn ta thích nhát. Sự bắt chước đó đã không đáng chê mà còn cần thiết. Không có nó thì không có văn chương. Nếu người Pháp không bắt chước Hi Lạp và La - Mã thì họ có được những tác phẩm bất hủ ở thế kỉ thứ 17 không? Cả nền văn học cổ của ta gốc ở Trung Quốc và già nửa văn chương hiện đại là mượn của Pháp.
Tôi còn nhớ học sinh ở Hà Nội trước 1930. Gặp những ngày nghỉ, họ thường mỗi người một cuốn sách, rủ nhau lại Vãn miếu, Hồ Tây, hoặc thơ thẩn bên bờ con sông Tô Lịch, hay qua những làng Lũ, làng Quang, lựa một ngọn gò, một bãi cỏ, ngồi dưới gốc muỗm, gốc đa rồi mở sách ra đọc cho nhau nghe những bài thơ bài phú trong Văn đàn bảo giám, những đoạn văn du văn dương của Chateautine, hùng hồn của Bossuet... Họ không hiểu hết nghĩa đó, nhưng có cần chi điều ấy? Họ muốn ru tâm hồn trong âm nhạc của câu thơ, trong tiếng hát của thôn nữ, trong tiếng chim ríu rít, tiếng gió vi vu...
Học sinh bây giờ không có cái thú ấy nữa, thứ năm, chủ nhật họ dắt nhau đi dạo phố, vào vườn thú, hoặc coi hát bóng, đôi khi có đọc sách thì chỉ đọc những loại trinh thám, kiếm hiệp. Như thế các giáo sư có phàn nàn về trình độ Việt văn và Pháp văn của họ rất kém, cũng là lẽ tất nhiên.
Tóm lại, trước khi viết phải đọc nhiều, trong khi viết phải đọc nhiều. Đọc sách là công việc đầu tiên và quan trọng nhất của người muốn viết văn.
Người đọc nhiều sách tất nhiên là đọc nhiều, nhưng người đọc nhiều nhưng chưa hẳn là đọc nhiều sách. Bạn chỉ có độ vài chục cuốn sách, nhưng ngày nào cũng đọc vài giờ thì bạn cũng là đọc nhiều.
Về điều ấy, các văn nhân không đồng ý với nhau. Goethe cho rằng: "Một cuỗn sách dỏ tới đâu cũng có một chỗ hay", Pilne và Sénèque, trái lại, đều khuyên chỉ nên đọc những tác phẩm rát có giá trị. Một ngạn ngữ cổ phương Tây còn nói: "Tôi sợ người nào chỉ có một cuốn sách".
Theo tôi, đọc nhiều hay ít sách, tùy mục đích và trình độ của ta.
Nếu bạn đọc để chỉ tiêu khiển thì đọc nhiều sách bao nhiêu cũng được.
Nếu đọc để kiếm tài liệu thì càng nhiều sách càng tốt, Dale Camegie không có thì giờ, phải mướn nhiều thư kí đọc hết các sách vở báo chí trong các thư viện để kiếm tài liệu giúp ông viết những cuốn Đắc nhân tâm và quẳng gánh lo...
Như vậy là tùy mục đích. Nếu bạn đọc để luyện văn thì lại còn tùy trình độ của bạn nữa.
Bạn đã thấu được nghệ thuật viết văn rồi ư? Bạn có thể theo lời khuyên của Goethe đọc càng nhiều càng hay vì mỗi tác giả dù ít tài đến đâu cũng có được một đoạn, một câu hoặc một ý đáng cho ta bắt chước. Phải có công đãi cát mới lượm được vàng. Có khi cả những chỗ dở của họ cũng có thể làm bài học cho ta được.
Nhưng nếu bạn mới tập viết văn, óc thẩm mĩ chưa được vững vàng, chưa phân biệt hay cùng dở thì bạn chỉ nên lựa những tác giả bát hủ, những tác phẩm có chân giá trị.