Ông cha ta xưa vẫn luôn khuyên con cháu phải biết quý trọng thời gian. Thời gian đã trôi qua, không bao giờ trở lại. Thời gian cũng là mảnh đời của mỗi con người chúng ta. Vậy thời gian quan trọng và quý giá như thế nào mà ông cha ta lại nói câu tục ngữ: Thì giờ là vàng bạc. Chúng ta cùng trao đổi về vấn đề này.
Trước hết, ta phải hiểu vấn đề nêu ra trong câu tục ngữ như thế nào? Thì già là một cách nói về thời gian. Thời gian không phải là một vật cụ thể mà ta có thể trông thấy, cầm lấy được. Thời gian là một khái niệm vô hình. Vậy mà vế bên kia của câu tục ngữ, dân gian lại lấy vàng, bạc là những vật cụ thể so sánh với giá trị của thời gian. Cho nên cách so sánh này để con người thấy rõ tầm quan trọng của nó. Vàng bạc là những kim loại quý, có giá trị cao trong cuộc sống xã hội loài người. Xưa nay, người đời chẳng hay nói đắt như vàng đó sao? Vàng có giá trị nên trong cuộc sống, khi con người đã đủ ăn, đủ mặc, của cải dư thừa, người ta thường hay mua vàng để phòng lúc đau ốm, tuổi già hoặc có việc quan trọng nhà cần dùng đến. Vàng, bạc còn dùng làm đồ trang sức tô điểm vẻ đẹp cho con người. Muôn có vàng người lao động phải làm việc chăm chỉ và giỏi để dành dụm, tiết kiệm. Vàng bạc đâu có dễ dàng đến với con người. Vậy, dân gian lại dùng lối so sánh khẳng định thì giờ là vàng bạc không những để ca ngợi thời gian quý như vàng bạc, hơn thế nữa thời gian chính là vàng bạc đấy. Nếu bàn cho kĩ nữa thì thời gian quý hơn vàng bạc, vì vàng bạc có thể làm ra được (nếu hết); nhưng thời gian hôm nay đã qua, không thể làm lại thời gian hôm nay được - không bao giờ làm cho cái đã qua trở lại được.
Vì sao thời gian (thì giờ) lại quý giá như vậy? Thời gian được tính bằng giây, bằng phút, bằng giờ, bằng tháng, bằng năm. Đó là từ khi con người biết đo bóng nắng đoán giờ, biết tính ngày tháng theo trăng tròn, trăng khuyết... Trước khi con người biết tính thời gian, thì thời gian vẫn cứ vô tình trôi đi, chẳng bao giờ dừng lại. Thời gian gắn liền với tuổi đời và cả đời con người. Mỗi một chặng thời gian, con người sống có ích, con người sẽ tích lũy được vốn kiến thức, hiểu biết; con người sẽ đem lại cho cộng đồng của mình, cho chính mình những thành quả tốt đẹp. Tuổi học sinh, tuổi thiếu niên của chúng ta thật vô tư, nhưng đừng vô tư đến mức lãng phí, lãng quên thời gian. Bạn hãy học hết mình, và khi chơi, thư giãn bạn cũng hết mình thì hiệu quả cuộc sống của bạn sẽ ra đáp số thì giờ là vàng bạc đấy. Ví dụ: bạn định ngồi học và làm bài tập liền trong hai tiếng đồng hồ. Bạn hãy tập trung cao để học và làm bài tập đi. Sau đó bạn có thể đi dạo mười lăm phút, hoặc chơi đàn ghi ta mười lăm phút, hát vài bài ca mà bạn thích, cũng có thể xuống sân bóng một lát... xong bạn lại trở về phòng làm việc tập trung suy nghĩ. Chắc chắn như thế là không lãng phí thời gian. Có nhiều bạn chơi suốt ngày, đến giờ đi học là cầm cặp chạy. Chắc chắn bạn đó sẽ không có thì giờ vàng bạc rồi. Còn đối với các nhà khoa học, những người say mê với sự nghiệp thì họ có ăn ngủ đúng giờ như mọi người đâu. Niềm say mê và nghị lực tuyệt vời đã khiến họ không có lịch ăn, ngủ cố định. Đó là mầm mông của thiên tài. Những thiên tài thường có nghị lực đặc biệt. Thời gian đốì với họ quý giá hơn cả vàng bạc, các bạn ạ!
Thời gian quý giá như thế, ta nên có một kế hoạch để tận dụng thời gian. Hằng ngày, nên có thời gian biểu hợp lí, để bảo đảm việc học, việc giải trí, vui chơi cho hợp với hoàn cảnh mỗi gia đình và sức khỏe của cá nhân chúng ta và còn tranh thủ giúp đỡ bô' mẹ những việc vừa sức mình nữa chứ. Ngoài việc chơi, việc học hằng ngày, ta nên có thời gian dành cho việc đọc sách, báo, một khoảng thời gian thích đáng cho công việc mà mình yêu thích, say mê,... Tôi biết có bạn vẫn tranh thủ viết truyện, làm thơ. Tôi biết có bạn thích tập cắt may quần áo và sưu tầm thời trang. Tôi biết có bạn rất thích nghiên cứu về kinh tế, và ước mơ trở thành một nhà doanh nghiệp lớn... tất cả những điều đó nên bố trí trong thời gian còn trẻ để học và làm. Tất cả những ước mơ, những dự định đều có thể xảy ra, nếu bạn yêu quý, tận dụng và biết sắp xếp thời gian.
Quả thật thì giờ là vàng bạc, phải không các bạn? Đọc xong bài nghị luận giải thích này, dù ít hay nhiều các bạn hãy nhìn lại lịch học tập, làm việc, vui chơi của mình đi nhé! Đừng để vàng, bạc, thời gian quý giá đang ở trong tay ta, lại rơi vãi một cách phí hoài, phải không các bạn?