Ông bà ta xưa có nhiều câu nói về tình hàng xóm láng giềng, chẳng hạn như: “Nhất cận thận, nhì cận lân”, rồi “Bà con xa không bằng láng giềng gần...”. Viễn cảnh đó tồn tại ở đâu không biết chứ thực tế tôi thấy mình chẳng có tí tình cảm nào với con nhỏ Khánh Ngọc nhà kế bên. Nói là kế bên chứ thực ra nhà nó cách nhà tôi tới... một con hẻm. Con hẻm bé tí, chỉ hơn một mét là cùng. Tôi không ưa nó mà hình như nó cũng chẳng ưa gì tôi. Nhà nó không phải giàu nhất xóm nhưng lại khách khứa nhiều nhất xóm. Mỗi lần khách ra vô lại đậu xe trước nhà tôi và chặn luôn con hẻm. Đó là lí do đầu tiên làm tôi không... thích nhỏ. Những lúc chỉ có một mình thì nó mở nhạc với âm nhạc cực đại và quay loa sang tấn công nhà tôi. Nhưng trên hết vẫn là tính kiêu căng và tự cao của nó, nhất là ánh mắt vô cảm và vẻ mặt lạnh lùi g không buồn không vui. Nó lúc nào cũng cố nặn ra một khuôn mặt cau có, bực bội làm già đi cả chục tuổi. Nhà Ngọc cao hơn nhà tôi nên nhỏ có thể quăng sang nóc nhà tôi đủ thứ rác. Có khi là vài hòn đá xanh nhỏ nhưng đủ tạo những âm thanh chói tai, có khi là thức ăn nó ăn dở và cũng dễ hiểu tại sao bọn mèo thường xuyên tụ tập trên mái tôn nhà tôi để gầm gừ và chạy nhảy rầm rầm. Tôi hỏi thì nó trả lời bằng cái nhìn vô cảm cố hữu như nói rằng:
- Tớ thích thế!
Tôi quyết định chọn cách giải quyết hơi thiếu “quân tử” là ném rác lại sân nhà nó cho bõ ghét và cho nó nếm thử cái cảm giác bực bội của tôi khi nhà mình bị người ta tưởng là bãi rác. Mọi chuyện tưởng sẽ mãi diễn ra như thế thì bỗng một hôm tôi quăng trái hư và nghe tiếng la “Ui... da”. Ngỡ nó là nạn nhân của trò đùa mà chính nó bày ra, tôi khoái chí cười khanh khách. Chưa tận hưởng hết hương vị của niềm vui thì bỗng cánh cửa sổ trên gác xịch mở. Nhà nó tới hai cái gác và cánh cửa này trước giờ vẫn luôn đóng kín.
- Ông vừa mới chọi tui phải hông? Một giọng nói lạ hoắc vang lên.
- Úa, mi là ai vậy nhỏ?
Tôi ngước cổ lên trố mắt nhìn. Một đứa con gái nước da hơi ngăm, tóc sư tử và mắt đang hiện lên đủ thứ vũ khí, nó nhìn tôi bằng ánh mắt đầy ánh lửa.
- Mi ở đâu ra vậy? Tôi hỏi.
- Không cần biết! Còn bây giờ ông phải đền tội.
- Ê! E! Đừng!!!
Tôi hoảng hốt né lên một bên nhưng số tôi đúng là số đỏ, “vật thể” mà nhỏ đó chọi trúng tường chứ chưa chạm đến đầu. Hú hồn! Xà ngang vừa cứu nguy cho thủ môn một bàn thua trông thây. Tôi và Linh quen nhau một cách tình cờ và hơi “bạo lực” như thế.
Thì ra Linh là em bà con của Ngọc, nghỉ hè về nhà bác chơi. Hai đứa bằng tuổi nhau nhưng Ngọc vai vế lớn hơn nên làm chị. Nhỏ Linh hiền thật, phải là tôi thì bắt kêu bằng anh liền. Muốn nói chuyện với Linh, từ trên gác tôi phải ngước cổ lên để nói vì Linh ở căn gác trên mà. Cũng nhờ vậy mà tôi mới phát hiện ra khung cửa sổ tôi cũng được sở hữu một khoảng trời riêng. Linh nói ở dưới quê Linh buổi tối sao nhiều lắm còn trên này chẳng có cái nào. Tôi đùa rằng sao quê Linh hết rồi còn cái nào ở thành phố đâu mà thấy. Làm bạn với Linh tôi khám phá được nhiều điều mới lạ ở tâm hồn trong sáng, vô tư của bạn mình dù mỗi ngày tôi chỉ gặp và trò chuyện với Linh vài tiếng đồng hồ. Nhỏ nói chuyện rất có duyên và đặc biệt cũng rất thích thơ, văn. Có lần tôi đọc cho nhỏ nghe bốn câu thơ:
Bạn tôi xinh xắn lại rất siêng
Cái miệng nhỏ cười duyên thiệt duyên
Mắt trong như nước hồ thu vậy
Ước gì hồ thu là của riêng...
- Đố Linh bài thơ này của tác giả nào?
Nhỏ suy nghĩ một hồi rồi lắc đầu:
- Chịu. Tác giả nào mà làm thơ kì quá, phong cách...
Tôi hồi hộp:
- Phong... phong cách sao?
- Hơi con cóc một chút - Nhỏ phá lên cười.
Tôi hơi ngượng nên vội nói sang đề tài khác, cầu mong Linh không nhận ra vẻ lúng túng của tôi lúc đó. Còn gì là giấc mộng làm thi sĩ của tôi!
Từ ngày quen Linh tôi được biết thêm nhiều về Ngọc và dần dà có thiện cảm với nhỏ hơn. Những lúc gần đây Ngọc thay đổi nhiều lắm. Bỏ đi vẻ mặt cau có, khó chịu, thay vào đó là nét vui vẻ, dễ thương hơn. Nhỏ đã bắt đầu quan tâm đến người khác, hay chơi đùa với bọn trẻ trong xóm bằng những âm thanh ồn ào.
Thời gian Linh ở chơi dần cũng bay vèo hết. Đêm cuối, ba chúng tôi ai cũng cố tìm chuyện vui để nói nhưng chẳng giấu được nỗi buồn. Ngọc bùi ngùi:
- Linh về chừng nào mới có dịp lên chơi nữa!
- Em sẽ lên thăm anh chị mà. Mà anh chị có nhận ra điều đặc biệt giữa hai người không?
- Điều gì? Tôi nhìn Linh chờ đợi.
- Tên “chàng” là chữ lót tên “nàng”!
- Ê! Đừng “ghép đôi” bậy bạ nhe! Ngọc phản đối.
Rồi mẹ Ngọc gọi Linh vào ngủ để sáng mai còn thức sớm. Tôi cố nói thêm vài câu:
- Linh! Bài... hôm bữa là của tôi làm tặng Linh đó, Linh đừng quên nghen!
- Ghê nhỉ! Ngọc nheo mắt.
- Ghê gì đâu! Tôi ấp úng. Vậy là từ ngày mai cửa sổ này sẽ đóng.
- Cửa này đóng nhưng cửa dưới mở. Khánh sẽ nói mà không ngước mỏi cổ nữa, thích không?
- Tất nhiên. Vì mình là hàng xóm của nhau mà. Ông bà ta nói: “Bà con xa không bằng láng giềng gần” Ngọc vừa nói vừa nhìn lên trời.
Tôi thấy lòng mình vui vui. Nếu nói “Bà con xa không bằng láng giềng gần” thì đôì với Ngọc, tôi phải “có giá” hơn Linh. Tôi chợt bật cười với ý nghĩ đó. Nhưng ước gì có Linh nữa thì hay quá! Nhỏ hàng xóm thật ra không khó ưa cũng không kiêu căng và tự cao như tôi nghĩ, ngược lại nhỏ còn rất dễ mến là đằng khác. Còn bây giờ phải làm thêm một bài thơ nữa tặng Ngọc cho công bằng thôi, bài này nhất định phải mang phong cách “con ếch”!