Thường thì chỉ bằng một nét chấm phá thế thôi, chắc và mạnh, cả một tâm tính, cả một loại người được dựng lên, được đi vào tận bản chất. Nhưng cũng có một nhân vật được tỉa từng khía cạnh cụ thể để lần lượt vạch trần, gộp lại thành một bức chân dung biếm họa độc đáo... Cách làm này khác cách trước hay không kém và đả kích thấm thìa kiểu khác. Cả bài Những trò lố... mổ xẻ từng mặt xấu của tên cai trị thuộc địa kiểu mới Va-ren ra mà “đập”, từ điệu bộ, dáng hình, lời ăn tiếng nói đến tính tình, mánh khóe.
Đây, về hình dáng, nhân vật được giới thiệu trong khung cảnh đường phố rất hài hước mà cũng rất thật: ... gì thế nhỉ? Xe ô tô quan Toàn quyền sắp đi qua đấy. Xe kia rồi! lại cả ông Toàn quyền đây rồi!”. Thế rồi mỗi người trong đám đông nhìn và nhận xét quan từ góc độ của mình, em bé thì thèm cái mũ kì như một thứ đồ chơi hay, cô gái thì tiếc mình chả có cái áo đẹp bằng để làm dáng, người dân có trầm trồ “khen” thì là ở những chỗ “hơn” như vậy, được mặc sang hơn, được đọc “đít cua”, được đi ô tô bắt người ta chào, chứ tuyệt nhiên không ai nghĩ xa gần đến chờ mong cải cách, biết ơn khai hóa, hi vọng những gì loại đó. Như để tập trung cô đọng ý kiến của quần chúng, tác giả đặt vào miệng một nhân vật trong đám đông câu phát biểu cuối cùng, thâu tóm và tập trung này: “rậm râu, sâu mắt! Một nhà nho lẩm bẩm”. Ý kiến cuối cùng, ý kiến cơ bản của dân là thế đó - và, để bạn đọc Pháp không chút hiểu lầm, tác giả dịch “rậm râu, sâu mắt” ra chữ Pháp và chua thêm rằng đó là ngạn ngữ nước ta dùng để chỉ “đồ bất lương”! về mọi mặt khả ố khác của hắn cũng vậy, Va-ren cũng được phanh phui dưới nhiều góc độ sinh động, phong phú, mà đồng thời chọn lọc, sắc cạnh, điển hình. Cả đoạn lời nói y ra sức thuyết phục Phan Bội Châu là một thứ cáo trạng hùng hồn tự tố cáo qua những lời ngọt nhạt thường được dùng, và những mưu mô mua chuộc vỗ về không thiếu phần khéo léo, cả một tâm địa nham hiểm, cả một hạng người bỉ ổi, cả một đường lối - chính sách - chủ nghĩa xấu xa: con người và chế độ thực dân!
Châm biếm là bút pháp đặc sắc, độc đáo, sở trường của Hồ Chủ tịch, cho phép Người có được những thành tựu văn học và chính trị có ý nghĩa ở Pháp trong những năm 20, nhưng không phải Người chỉ đả, chỉ biết đả, hay chỉ đả mới thành công. Người chống cái xấu, mà đồng thời rung động mãnh liệt trước cái hay, cái đẹp. Có thể nào biểu dương bằng những lời lẽ nào trữ tình hơn, những tình cảm nào sâu xa rung động hơn không, lòng yêu nước thương dân và đức hi sinh của nhà vua Hậu Trần sa vào tay quân xâm lược, nhảy xuống sông tự trầm, được Người ca tụng: “Ông thà chết vinh chứ không sống nhục. Ngày nay, mỗi buổi mặt trời mọc lên, lặn xuống, muôn ngàn ánh hào quang vàng óng quây trên dòng sông trong nước bạc long lanh, tạo nên đài kỉ niệm vĩnh cửu cho linh hồn bất diệt của con người chiến bại vĩ đại đó”. Và cũng đẹp bao nhiêu, xúc động lòng người bao nhiêu, gây hưng phấn mạnh mẽ bao nhiêu, hình ảnh lãnh tụ Ki-men-gô châu Phi sau ngày cách mạnh thành công, mà với một thứ linh tính tiên tri đáng kinh ngạc, tác giả đã dựng nên được rất nổi nét, rất nghệ thuật ...