Đúng là càng sống, càng suy nghĩ và thương yêu, ta càng thấy những bài ca dao quen thuộc nhất của dân tộc ta thật sự chứa đựng một vẻ đẹp lạ lùng và rất khó phân tích, vẻ đẹp chưa thể nào hiểu hết ngay và lại càng khó nói ra cho rõ. Chẳng hạn như bài ca dao đối với nhiều người có lẽ là thân thiết nhất, vì nó thấm quyện rất sâu vào những kỉ niệm về tuổi thơ đã qua, và về người mẹ:
Con cò mà đi ăn đêm...
Đẹp như một dòng ánh sáng xót đau, bài ca dao chảy long lanh trong ta, rửa sạch và mài sáng tâm hồn. Ta cảm kích nhớ đến mẹ cha ta, tổ tiên ta ngày trước, cả một đời khổ nhục, âm thầm cho đến lúc chết đi vẫn còn đắng cay oan ức. Nhưng trái tim ấy, trong khổ đau, nói như Tố Hữu, lại sáng ngời lên như ngọc. Ta còn kinh ngạc mãi, mỗi lúc nghĩ rằng, đối với con cò sắp bị đời phanh xác ra, cái đau đớn không phải là nghèo hèn, cũng không phải là cái chết, mà là lòng mình, cuối cùng lại bị bợn chút đục nhơ, vì như dân ta vẫn nghĩ: “Cáo chết để da, người ta chết để tiếng”.
Một dân tộc như thế có thể nào chịu để cho kẻ thù làm nhục? Thật không thể diễn tả nổi vẻ đẹp tự nhiên và cao cả của cả hai câu hát cuối cùng:
Có xáo thỉ xáo nước trong
Đừng xáo nước đục...
Lời dặn dò, trăng trối nghe nghẹn ngào, đau xé tận ruột gan, mà thiêng liêng biết nhường nào! Tim ta nhói sáng lên khi nghe nhắc đến lũ “cò con”. Ôi, cha mẹ ta, dân tộc ta nữa, cũng như con cò của khúc ca còn nghèo quá, gia sản để lại cho ta cũng không có gì ngoài cái hòn máu thiêng liêng, cái viên ngọc tinh thần vô giá ấy. Cái lẽ làm người trong sạch đó còn đời đời soi chiếu trong tâm hồn dân tộc ta, nhờ những người mẹ Việt Nam - hiện thân của tình thương, đêm đêm xiết chặt đứa con bé bỏng vào lòng và âu yếm hát ru bài Con cò mà đi ăn đêm, bài ca dao màu nhiệm.