Một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn, ấy là thiên tài Nguvễn Du. Nguyễn Du thường nói đến cái Tâm và cái Tài và đề cao: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài. Nhưng ở Nguyễn Du, người ta thấy sự cân xứng, hài hoà: một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn. Tâm lớn mà Tài cũng lớn. Đọc Nguyễn Du nhất là Truyện Kiều, người ta thấy đó là những lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu, và người ta cũng thấy rằng tất cả lời ngọc ý vàng ấy đều được viết ra từ một tấm lòng đau đớn cho thân phận con người, cho thời thế và cho nhân thế - Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Ngọc của nghệ thuật Nguyễn Du đúng là kết tinh từ vết thương lòng của một con người chìm nổi trong biển đời!
Chúng ta đã nói đến trái tim của Nguyễn Du - trái tim mang trong nó một nỗi đau vĩ đại. Đọc thơ Nguyễn Du thấy trái tim ấy dành tình thương cho tất cả: từ những người ông tận mắt chứng kiến đến những người được nghe kể, truyền tụng, từ người sống ở những thời đại khác, chân trời khác, từ người sang cho đến người hèn, từ trẻ thơ cho đến người già phụ nữ... ông thương người mẹ lang thang cầu bơ cầu bất, lê mình đi ăn xin cho ba đứa con, thương những đứa tiểu nhi tấm bé, lỗi giờ sinh lìa cha, thương người ca kỹ ở đất Thăng Long, người hát rong ở đất Thái Bình... ở đây là nỗi xót xa cho những Tiểu Thanh, Đạm Tiên, ở kia là nỗi đau đớn nghẹn lòng dành cho Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Văn Thiên Tường, Tỷ Can, Liễu Tử Hậu... Trái tim của Nguyễn Du thật dễ động, dễ tổn thương, sự đồng cảm của nó là không biên giới, không dễ tổn thương, sự đồng cảm của nó là không biên giới, không thời gian. Mọi nỗi buồn đau, thống khổ của kiếp người vang động đến đều có thể làm cho trái tim ấy rỉ máu. Ngòi bút của Nguyễn Du chấm vào thứ máu ấy mà viết nên những trang thơ.
Nhưng nhìn thật sâu vào, ta sẽ thấy ông xót xa nhất cho con người trong cảnh dâu bể, trong những đổi thay trớ trêu khôn lường của cuộc đời. Trong những cơn dâu bể, thân phận con người thật là mỏng manh, bị quăng quật, bị dập vùi, bị dày xéo, bị xoay vần đến xác xơ, tan tác. Cả xã hội phong kiến lẫn định mệnh mù quáng tai quái đều vào hùa với nhau để hành hạ con người. Mà trong cảnh bể dâu kia, thân phận bi kịch điển hình nhất là những người tài sắc. Họ như những bông hoa nở trong giông tố. Trong đó, danh nhân cũng hoá nạn nhân, vàng ngọc cũng hoá đất bùn...
Thương xót và căm phẫn, trái tim Nguyễn Du đã phẫn nộ trước những thế lực chà đạp con người, huỷ hoại tài năng. Đó là loài hổ báo, ruồi xanh, thuồng luồng... Trong bài Phản chiêu hồn, ông đã viết về cảnh đời nước Sở (và có lẽ không chỉ của nước Sở), thuộc về một lũ thượng quan ngựa xe vênh váo, chúng không để lộ nanh vuốt nhưng cắn xé thịt người ngọt xớt như đường. Ông khuyên hồn của Khuất Nguyên đừng về mặt đất này mà hãy mau mau và hãy yên lòng thu tinh thần về với Thái Hư. Bởi:
Đời sau ai ai cũng là thượng quan
Mặt đất đâu đâu cũng là sông Mịch La
Cá rồng không ăn thịt, hùm sói cũng ăn mất.
Một mặt đất như thế làm gì có đất sống cho những tâm hồn cao khiết như Khuất Nguyên, những tài hoa như Đỗ Phủ, Liễu Tử Hậu!... Không chỉ phẫn nộ trước những thế lực xã hội, ông còn phẫn nộ với cả những thế lực siêu hình đã chụp lên đầu con người những định mệnh tàn nhẫn mù quáng:
Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi
Phận sao phận bạc như vôi
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi.
(Cổ kim hận sự thiên nan vấn).
Và trong trái tim kia, ta thấy cái phần thống thiết nhất, ông đã dành cho thân phận bi kịch của những người đàn bà tài sắc. Họ là những kẻ hồng nhan bạc mệnh, tài hoa bạc mệnh. Đặc biệt là những kĩ nữ. Những kẻ ca kỹ có lẽ là nạn nhân bi đát nhất, thương tâm nhất trong cuộc đời đầy lang sói, hùm beo, nhan nhản những bọn buồn thịt bán người, trong cái cõi đời lắm biến thiên dâu bể này. Đó là những cô cầm hai mươi năm trước tài sắc nổi tiếng Long Thành, vương hầu công tử, quan lại xúm xít quanh mình, thế mà nay đã thành một bà già tàn tạ: Tóc hoa râm mặt vỗ mình gầy bị bỏ quên ngay bên tiệc rượu. Đó là người chí sĩ đất La Thành, người hát rong ở Thái Bình. Đó là Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi - Nổi danh tài sắc một thì thế mà nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương, giờ chỉ còn sè sè nấm đất bên đường... Đó là Tiểu Thanh: Son phấn có thần chôn vẫn hận - Văn chương không mệnh đốt còn vương... Và hơn tất cả, đó là Thuý Kiều: Làn thu thuỷ nét xuân sơn - Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh, lại pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm. Ấy thế mà thật bạc mệnh: Khi sao phong gấm rủ là - Gió sao tan tác như hoa giữa đường, cả một kiếp người truân chuyên chìm nổi: Thanh Lâu hai lượt, thanh y hai lần. Bị dày xéo xuống tận bùn đen nhơ bẩn. Mỗi lần muốn ngoi lên vượt thoát kiếp sống ô nhục lại bị đạp xuống đau hơn, sâu hơn, bế tắc hơn...
Viết về những con người ấy, đối với Nguyễn Du, cũng là viết về mình, cùng một lứa bên trời lận đận cả thôi! Vừa là lòng nhân ái của một con người dành cho một con người. Nhưng cũng là nỗi niềm của kẻ tri kỷ, nỗi niềm của kẻ cùng hội cùng thuyền, đồng mệnh tương lai! Thương người như thể thương thân. Nguyễn Du thấy mình ở trong họ, thấy họ ở trong mình. Cho nên lời thơ ông chân thành đến tận đáy lòng, ông đã truyền được tất cả những đau đớn của trái tim vào những điều viết để thành những tiếng thơ ai động đất trời.
Nguyễn Du là ngòi bút thiên tài. Truyện Kiều vốn được sáng tạo từ cuốn tiểu thuyết tài tử giai nhân không mấy tiếng tăm của Thanh Tâm Tài Nhân là Kim Vân Kiều truyện. Nhưng bằng một bút lực phi thường, ông đã sáng tạo thành một kiệt tác bất hủ. Truyện Kiều thực là một thế giới sống động, Nguyễn Du đáng được xem là một đấng hoá công đã sáng tạo nên thế giới ấy. Từ những nhân vật còn sơ lược, nhạt mờ, thậm chí tầm thường, thế mà thi hào đã thổi vào đó một sức sống mới tỏa ra một sức vóc mới, biến chúng thành những hình tượng bất hủ. Chẳng những các nhân vật chính diện: Thuý Kiều, Thuý Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Thúc Sinh... mà ngay đến cả những nhân vật phản diện cũng sắc nét, chân thực có ý nghĩa điển hình to lớn: Tú Bà, Hoạn Thư, Sở khanh, Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến... Có thể nói, Truyện Kiều là hình ảnh thu nhỏ của cả một xã hội đen tối thời phong kiến.
Là một nghệ sĩ lớn, Nguyễn Du không chỉ tài hoa trong khắc hoạ nhân vật mà còn hết sức tài hoa trong việc mô tả thiên nhiên. Có thể gặp trong Truyện Kiều những bức tranh tuyệt bút mà nền thơ ca có thể có. Mùa xuân thì: cỏ non xanh tận chân trời - Cành lê trắng điểm một vài bông hoa; Dưới cầu nước chảy trong veo - Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha. Mùa hạ thì: Dưới trăng quyên đã gọi hè - Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm hông. Mùa thu thì: Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san - Long lanh đáy nước in trời - Thành xây khói biếc non phơi• bóng vàng... Bức tranh nào cũng lộng lẫy mỹ lệ, hình tượng thơ như long lanh trên mặt đá quý, bức tranh nào cũng ánh lên cái thần thái của nó.
Nguyễn Du cũng là một bậc thầy về ngôn ngữ. Chưa có ở đâu mà tiếng Việt lại đẹp đẽ, trong trẻo giàu có, hoàn hảo như trong Truyện Kiều. Chỉ một câu: Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương, có thể thấy chữ thoắt thần tình thế nào trong việc thể hiện cái bi kịch bạc mệnh bất ngờ của kiếp tài hoa ngắn ngủi của Đạm Tiên. Hay một câu: Cậy em em có chịu lời - Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Chỉ với bốn chữ cậy, chịu, lạy, thưa ta đã thấy sự chính xác đến tuyệt vời của chữ nghĩa Nguyễn Du trong việc thể hiện nỗi niềm đau đớn, cảnh ngộ trớ trêu của Thuý Kiều. Xuân Diệu là một thi sĩ hiện đại, cũng là một bậc thầy của ngôn ngữ, nhưng đã phải ngã mũ trước từng câu từng từ nhỏ nhất của Nguyễn Du. Ông thấy chữ nhuốm là tinh diệu: Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san, chữ chĩu là thần tình: Giọt sương chĩu nặng cành xuân là đà. Chữ thú là đầy bản lĩnh: Giang hồ quen thú vẫy vùng...
Có thể nói tiếng Việt của chúng ta được giàu có và đẹp đẽ như ngày nay, có một phần rất lớn thuộc về công lao gọt giũa, tinh luyện của những nghệ sĩ lớn như Nguyễn Du.
Là một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn - Nguyễn Du xứng đáng được coi là một thiên tài, một danh nhân văn hoá, không chỉ của Việt Nam mà còn là của chung nhân loại. Việc UNESCO tổ chức kỷ niệm 200 năm sinh thi hào Nguyễn Du trên phạm vi thế giới là một đánh giá xứng đáng đối với tầm cỡ của ông. Ông thuộc về những người có thể làm vinh dự cho mọi nền văn hoá.