1. Trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX, nhân vật phụ nữ có một vị trí đặc biệt, với nhiều vấn đề về tình cảnh và số phận của họ. Đã có một người chinh phụ với tình cảnh lẻ loi và niềm khao khát hạnh phúc trong Chinh phụ ngâm, một Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du với số phận bi kịch suốt 15 năm lưu lạc, rồi còn nhiều nữa những Ngọc Hoa, Cúc Hoa trong truyện Nôm... Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ tố cáo chế độ phong kiến đày ải, giam hãm những người phụ nữ mỏi mòn trong thân phận cung nữ.
Chế độ cung nữ của các vua chúa phong kiến là một hiện tượng hết sức độc ác, vô lí đã tồn tại hàng ngàn năm dưới các triều đại phong kiến. Hiện tượng ấy cũng đã trở thành đề tài của nhiều tác phẩm văn chương trong thời trung đại, nhưng phải đến Cung oán ngâm của Nguyễn Gia Thiều thì tình cảnh bị bỏ rơi, giam hãm của những cung nữ và niềm oán hận của họ mới được thể hiện một cách hết sức mạnh mẽ, vừa đau đớn, vừa chua xót. Đoạn thơ trích Nỗi sầu oán của người cung nữ (từ câu 209 đến câu 244 Cung oán ngâm) thể hiện tập trung tình cảnh cô quạnh, bị bỏ rơi và niềm bi phẫn của người cung nữ.
2. Đoạn thơ mở ra bằng hình ảnh người cung nữ một mình lẻ loi, cô đơn giữa cảnh lộng lẫy vàng son nơi cung cấm. Giữa không gian của những cung quế, lầu đãi nguyệt, gác thừa lương đầy vẻ xa hoa, tráng lệ lại chỉ thấy bóng dáng lẻ loi, âm thầm buồn bã của người cung nữ.
- Trong cung quế âm thầm chiếc bóng,
Đêm năm canh trông ngóng lần lần.
- Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ,
Gác thừa lương thức ngủ thu phong
Nếu những danh từ Hán - Việt ở đầu các câu thơ trên gợi ra vẻ sang trọng, đài các ở ncã cung cấm, thì động từ - thường là từ thuần Việt, nôm na, lại vẽ ra bóng dáng lẻ loi và tâm trạng khắc khoải, mòn mỏi trong sự đợi chờ vô vọng của người cung nữ. Những cặp động từ “trông ngóng, đứng ngồi, thức ngủ” đã diễn tả không chỉ những hành động lặp đi lặp lại mà còn biểu hiện tinh tế tâm trạng khắc khoải, bồn chồn của người cung nữ.
Ớ những câu thơ tiếp theo, không gian thu hẹp lại trong căn phòng nơi cung cấm. Không gian ấy vẫn còn vẻ xa hoa với những phòng tiêu, gương loan, cửa châu, rèm ngà, nhưng vẫn không che lấp được sự trống trải, cô quạnh của người cung nữ. Tất cả vẫn chỉ là sự lạnh lẽo: “Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng”, “Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo”. “Gói loan tuyết đóng, chăn cũ giá đông”. Không gian đã vậy, còn thời gian của sự đợi chờ vô vọng lại càng dằng dặc, lê thê:
Ngày sáu khắc, tin mong nhạn vắng
Đêm năm canh, tiếng lắng chuông rền.
Trong những đêm dài lạnh lẽo với những giấc cô miên chập chờn, người cung nữ có gượng đốt hương để mong có hơi ấm và mùi hương thơm xua bớt đi sự lạnh lẽo, nhưng mùi hương chỉ làm tăng thêm sự tịch mịch (mùi hương tịch mịch), thắp ngọn đèn lên thì chỉ làm rõ không gian thâm u của căn phòng (bóng đèn thâm u).
3. Trở lên trên là đoạn thơ 20 câu vẽ ra hình ảnh cô quạnh của người cung nữ trong không gian tráng lệ nhưng cô tịch, lạnh lẽo nơi cung cấm. 16 câu thơ tiếp theo của đoạn trích đi sâu hơn diễn tả tâm trạng của người cung nữ đôi với nỗi sầu tủi, oán hận ngày càng thấm thìa, gay gắt.
Mọi tư thế, động tác của nhân vật trữ tình người cung nữ điều thể hiện sự buồn chán, trễ nải: Tranh biếng ngắm, mặt buồn trông, đứng tủi, ngồi sầu. Muốn giải bày lòng mình cũng chỉ biết “đã than với nguyệt lại rầu với hoa”. Nỗi buồn rầu, chán ngán kéo dài hết ngày nọ sang ngày kia, tưởng đã đến cực điểm: “Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải / Ngán trăm chiều, bước lại ngẩn ngơ”.
Đến đây, từ nỗi sầu thương, tâm trạng người cung nữ chuyển sang nỗi oán hận. Mới đầu chỉ là lời oán trách về sự thờ ơ của vua, để nhan sắc của mình phôi pha, hoài phí với thời gian:
Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm, để xơ nhụy vàng!
ở đoạn trên, cung nữ đã một lần oán trách: “Khoảnh làm chi bấy chúa xuân / Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi”.
Không dừng lại ở đó, sự oán trách đã thành oán hận, thành lời lên án gay gắt với nhà vua :
Giết nhau chẳng cái lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa!
Trong những bài thơ về đề tài cung nữ cũng thường có những lời oán thán về việc họ bị bỏ rơi, chẳng được vua chúa đoái hoài. Nhiều trường hợp đó chỉ là cách nói ẩn dụ của một công thần bị thất sủng mượn người cung nữ để nói lên lời than trách với vị quân vương. Đến Cung oán ngâm, có lẽ đây là lần đầu tiên trong văn chương thời trung đại có một người lên án trực tiếp và gay gắt thứ tội ác này của vua chúa. Giam hãm bao nhiêu cung nữ trong hậu cung, để những người phụ nữ đẹp ấy phải chết dần chết mòn trong nỗi u sầu, cô độc. Đó chẳng phải là một tội ác sát nhân hay sao? Hơn nữa, cái cách giết người ở đây mới thật thâm hiểm và ác độc, không cần dùng đến gươm sắc, chỉ bằng “cái u sầu”, mà phải là những người trong cuộc - những nạn nhân của chế độ cung nữ như ở đây mới thật sự thấm thìa: “Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa”. Lời thơ đến câu này không còn giọng thở than sầu thảm như ở đoạn trên mà chuyển thành giọng oán hận gay gắt. Lên án sự ác độc của vua chúa, người cung nữ còn oán trách cả ông trời, mà cụ thể là việc xe duyên của Nguyệt Lão:
Tay Nguyệt Lão chẳng xe thì chớ!
Xe thế này có dở dang không'?
Truy tìm nguồn cội của tấn bi kịch đời mình, người cung nữ chỉ biết oán trách số phận trớ trêu trong tay tạo hóa, điều ấy cũng là lẽ thường trong quan niệm nhân sinh của thời xưa - con người khi không thể tự chủ cuộc đời mình và không thể cắt nghĩa nổi những nguyên cớ dẫn đến số phận của mình, thì thường chỉ biết oán trách. Người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm cũng từng cất lên lời oán trách trời xanh: “Xanh kia thăm thẳm tầng trên/ Vì ai gây dựng cho nên nỗi này”. Lời của người chinh phụ vẫn trong chừng mực của một lời than thở, trách cứ nhẹ nhàng. Đến người cung nữ thì lời oán trách đã mạnh mẽ hơn nhiều. Còn trong Truyện Kiều, trước tình cảnh Thúy kiều mấy lần bị đẩy vào vòng ô nhục, đã cô' giãy giụa mà vẫn không sao thoát được, thì Nguyễn Du phải thốt lên tiếng chửi đầy tức giận:
Chém cha cái số ba đào
Cởi ra rồi lại buộc vào như chơi
Nghĩ đời mà ngán cho đời,
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen.
Người cung nữ của Nguyễn Gia Thiều không dừng lại ở sự oán trách sô' phận của mình, mà sự giận dữ đã chuyển thành ý muôn hành động tung phá để thoát khỏi tình cảnh bị giam hãm mãi mãi trong cô đơn, u buồn ở chốn nội cung :
Đang tay muốn bứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!
Cố nhiên, từ ý nghĩ đến hành động còn là một khoảng cách không phải dễ gì vượt được. Người cung nữ vẫn còn mong mỏi đến một ngày nào đó lại được đấng quân vương đoái hoài tới và nhờ thế mà chấm dứt được cảnh sông cô quạnh, u buồn của mình. Nhân vật cung nữ của Nguyễn Gia Thiều chứa đựng nhiều mâu thuẫn, phức tạp, phản ánh phần nào những mâu thuẫn trong tư tưởng của chính tác giả.
4. Đoạn Nỗi sầu oán của người cung nữ là đoạn thơ khá tiêu biểu cho giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Cung oán ngâm. Đoạn thơ đã diễn tả sâu sắc và đầy sức ám ảnh về tình cảnh mỏi mòn, u sầu của người cung nữ, qua đó cho thấy bộ mặt tráo trở và sự độc ác của vua chúa. Không gian nơi nội cung, ngoài thì lộng lẫy, xa hoa, nhưng thực chất chỉ là một không gian tù hãm, thâm u, chỉ là nơi giam cầm những cung nữ trong kiếp đọa đày. Nỗi u sầu và sự oán hận của người cung nữ đã được biểu hiện với tất cả sự thấm thìa, mạnh mẽ, gay gắt và bằng sự cảm thông sâu sắc của tác giả. Đó chính là giá trị nhân đạo của đoạn thơ này cũng như của cả khúc ngâm. Với Cung oán ngâm, thêm một lần nữa trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII, những khát vọng tự nhiên chính đáng của con người, đặc biệt là người phụ nữ, đã được nói lên một cách thành thực và mạnh mẽ.
Đoạn thơ cũng cho thấy thành công xuất sắc của Nguyễn Gia Thiều trong nghệ thuật sáng tạo ngôn ngữ và sử dụng thể thơ song thất lục bát. Lớp từ ngữ Hán - Việt và lớp từ Nôm thuần Việt đã được tác giả phối hợp một cách tài tình, đầy sáng tạo, vừa tạo nên vẻ sang trọng, đài các của nơi cung câm, lại vừa biểu hiện được trực tiếp, gợi cảm những tâm trạng, cảm xúc đến độ gay gắt mạnh mẽ của nhân vật trữ tình người cung nữ. Nhiều động từ và tính từ, chủ yếu là thuần Việt được đặt ở trọng tầm các câu thơ, tạo ấn tượng rất mạnh mẽ đến sự tiếp nhận của người đọc:
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi.
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
Gương loan bẻ nửa, dải đồng xé đôi.
Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm, để xơ nhụy vàng!
Thể thơ song thất lục bát đã xuất hiện từ hàng thế kỉ trước, nhưng đến Cung oán ngâm mới thật sự đạt đến sự hoàn chỉnh chặt chẽ trong cấu trúc của từng khổ thơ, trong cách gieo vần ở chữ thứ 5 của câu thất và đối về thanh điệu của cặp câu 7 chữ. Thể song thất lục bát qua Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm đã cho thấy nó rất thích hợp với những khúc ngâm bởi khả năng thể hiện những tâm trạng lớn, trải ra trong một thời gian dài mà mỗi khổ thơ là một con sóng, hết đợt sóng này đến đợt sóng khác tiếp nối để tạo nên một tác phẩm trữ tình trường niên.