Nói về văn minh công cộng, văn minh đô thị, vân đề được nhiều người nói đến là giữ vệ sinh chung. Đi qua các bến xe, nhà ga, cổng bệnh viện, sân trường học, công viên, danh lam thắng cảnh, nơi vui chơi giải trí, v.v... ta thấy một hiện tượng phổ biến là vứt bừa bãi các thứ rác thải ra khắp mọi nơi.
Báo chí đã nói đến tác hại của túi ni lông như làm xói mòn đất đai, làm nguy hại đến cây trồng và các loài thuỷ sản, làm tắc cống rãnh, gây úng, làm ô nhiễm môi trường, v.v... Uống nước mía xong thế là vứt ngay túi ni lông xuống đất. Ăn hết quà bánh, các thứ còn lại vứt xuống vệ đường. Đi dạo trong công viên, đi chơi quanh Hồ Gươm, Hồ Tây, ta vẫn nhìn thấy lềnh bềnh bao túi ni lông tím, đỏ! Sau trận đấu bóng hàng chục nghìn khán giả ra về, trên sân cỏ, trên khán đài, lối ra vào bị các “thượng đế” vứt đầy mọi thứ rác rưởi: mẩu thuốc lá, vỏ chai nhựa, giấy bọc bánh kẹo, túi ni lông, ... Thượng vàng hạ cám đều có tất!
Xả rác bừa bãi là một thói xấu của nhiều người, việc làm ấy phản ánh nếp sông văn minh công cộng thẩp kém, ý thức bảo vệ môi trường rất thấp kém.
Ai cũng hiểu câu tục ngữ “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm” nhưng tại sao lại cứ xả rác bừa bãi vào nơi công cộng? Ruồi muỗi, chuột bọ có nơi để tung hoành, sinh sôi, phát sinh bệnh dịch. Phải chăng ở nước ta chưa có hình thức xử phạt răn đe? Nghe nói ở Xinh-ga-po, người nào mà vứt bất cứ một thứ rác rưởi nào, dù đó là một mẩu thuốc lá cũng bị xử phạt 100 đô-la.
Gần đây truyền hình đưa tin nhiều làng nghề, nhiều nhà máy đã xả nước thải công nghiệp vô tội vạ vào các dòng sông. Nhà máy Vê- đan chỉ sau 10 năm xả nước thải đã “giết chết” sông Thị Vải ở Đồng Nai! Sông Đáy, sông Tô Lịch,... nước đen ngòm nhiều người đã biết, đã nhìn thấy!
Môi trường, môi sinh đã và đang bị ô nhiễm trầm trọng. Xanh, sạch, đẹp của môi trường cần được toàn xã hội quan tâm và giữ gìn. Cảnh quan của đất nước, sức khoẻ của cộng đồng, nhắc nhở chúng ta phải biết bảo vệ và giữ gìn môi trường, môi sinh ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Học sinh chúng ta phải biết góp phần làm cho cảnh quan ngôi trường thân yêu ngày càng xanh, sạch, đẹp, trở thành một trung tâm văn hoá của địa phương mình.