Phân tích bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Châu Trinh

Phan Châu Trinh là một trong những chí sĩ cách mạng nổi tiếng đầu thế kỷ XX. Bài thơ Đập đá ở Côn Lôn làm trong thời gian ông bị đày ở đảo Côn Lôn thể hiện khí phách quật cường, một bản lĩnh ngang tầm với dũng sĩ thần thoại.

Nhà tù thực dân Côn Đảo là một địa ngục trần gian. Bọn thực dân dùng nơi này để đày đọa những con người yêu nước ưu tú hòng làm nhụt chí khí đấu tranh của họ. Trong đó, đập đá là một trong những công việc cực nhọc mà người đi đày phải làm. Phan Chu Trinh cũng ở trong số tù khổ sai ấy. Nhưng giữa nắng gió biển khơi khắc nghiệt, người tù Phan Chu Trinh đã dựng lên cả một tượng đài bằng thơ thể hiện một vẻ đẹp lẫm liệt, phong thái cứng cỏi ngang tàng của người anh hùng cứu nước. Bốn câu thơ đầu tác giả miêu tả cảnh tượng đập đá của người tù và cũng bằng những hình ảnh ấy mà khắc họa dáng vóc phi thường của người anh hùng đấng nam nhi:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Câu mở đầu, tác giả phác ra bối cảnh không gian, gợi mở âm hưởng hùng tráng bằng tư thế hiên ngang, sừng sững của phận "làm trai" đầu đội trời, chân đạp đất kiêu hùng. Dân gian từng có câu: "Làm trai cho đáng nên trai". Nguyễn Công Trứ thì viết: "Chí làm trai Nam, Bắc, Tây, Đông; Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể". Phan Bội Châu cũng đề cao chí hướng làm trai: "Đã sinh làm trai thì cũng phải khác đời"... Điều đó cho thấy quan niệm về chí trai, làm trai có mạch nguồn trong quan niệm nhân sinh truyền thống. Trong câu thơ của Phan Chu Trinh quan niệm ấy được khẳng định trong một bối cảnh cụ thể: "... đứng giữa đất Côn Lôn" là "đứng giữa" biển - trời - đất, thật kiêu hãnh, đường hoàng, đúng là tư thế của người làm chủ giang sơn. Ba câu thơ tiếp theo, qua những hình ảnh chân thực diễn tả công việc nặng nhọc (khai thác đá) tác giả đã khắc họa thành những hình ảnh biểu trưng cho tầm vóc sức mạnh dời non lấp bể, kinh thiên động địa của nhân vật trữ tình. Những hành động mạnh mẽ cho phép ta hình dung ra hình ảnh người dũng sĩ với sức vóc thần kỳ đang xung trận: "xách búa", "ra tay" và "lừng lẫy" những chiến công "lở núi non", "đánh tan năm bảy đống", "đập bể mấy trăm hòn". Những từ ngữ cực tả sức mạnh dũng mãnh đã làm nổi bật hình tượng con người trong tư thế ngạo nghễ, lớn ngang tầm vũ trụ. Giữa không gian biển trời bao la sừng sững một tượng đài kết bằng những hình khối phi thường.

Bốn câu cuối bộc lộ trực tiếp cảm xúc và suy nghĩ của người anh hùng:

Tháng ngày bao quản thông sành sỏi,

Mưa nắng càng bền dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan chỉ kể việc con con!

"Thân sành sỏi", "dạ sắt son" sẽ bền bỉ trụ lại được cùng "tháng ngày", "mưa nắng". Thế đối lập ở câu 5-6 thể hiện sự kiện tâm, vững trí của nhà cách mạng dù trong bất kỳ hoàn cảnh khắc nghiệt nào. Tấm lòng thủy chung, son sắt "mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen" (Nguyễn Trãi) kia cũng là sự kế thừa truyền thống anh hùng bất khuất đã được khẳng định trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vững vàng đến "trơ gan cùng tuế nguyệt", đến ngạo nghễ đã là đạo sống, phẩm cách của người chiến sĩ chẳng tiếc thân mình cho sự nghiệp chung. Phan Chu Trinh xuất thân nho học, ở những vần thơ này ta thấy bản lĩnh của nhà nho đã hòa thấm thuần thục với tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng. Trong bối cảnh đầy những gian nan, thử thách hồi đầu thế kỷ XX người chiến sĩ dám dấn thân vì giang sơn xã tắc cũng phải là những con người bất chấp hy sinh, nguy khó, biết quên thân mình. Có khi còn phải biết gồng mình lên, chiến thắng hoàn cảnh bằng ý chí. Cảm hứng lãng mạn hào hùng tiếp tục được đẩy lên đỉnh điểm ở hai câu thơ kết với hình ảnh thơ mang đậm chất sử thi. Hai chữ "vá trời" lấy từ tích Nữ Oa vá trời. Tầm vóc, sức mạnh ở đây đã được thi vị hóa đến mức thần kỳ, giống như bà Nữ Oa trong truyền thuyết đội đá vá trời. Hình ảnh "những kẻ vá trời" vừa thực vừa bay bổng, khoa trương. Thực ở mức liên hệ với hình ảnh những người tù lao động khổ sai đập đá, làm lở núi non đã được miêu tả ở 4 câu thơ đầu. Bay bổng, khoa trương ở lối ví với nhân vật trong thần tích. Hai câu thơ cuối này gợi tả sự đối lập giữa cái lớn lao, kỳ vĩ (vá trời) với thực tế gian nan chỉ là "việc con con". Sự đối lập ấy là kết quả của một ý chí sắt đá, niềm tin lớn vào sự nghiệp chính nghĩa, kẻ vá trời bằng sức mạnh đội đá vá trời có thể đè bẹp mọi trở ngại gian nan. Thực tế thì những khó khăn tác giả đang phải đương đầu không "con con" chút nào nhưng chỉ có bằng cách ấy, bằng ý chí quật cường tích tụ từ nguồn mạch dân tộc người chiến sĩ mới có thể tiếp tục được con đường dằng dặc chông gai trước mắt. Đó cũng là một cuộc chiến thắng chính minh.

Đập đá ở Côn LônCảm tác vào nhà ngục Quảng Đông là hai bài thơ của hai nhà nho yêu nước tiêu biểu trong phong trào cách mạng những năm đầu thế kỷ XX. Qua đó chúng ta nhận ra cái mạch chảy dào dạt của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng trong truyền thống dân tộc Việt Nam. Rồi đây cái mạch nguồn ấy lại bừng lên thành những đợt sóng mãnh liệt và thể hiện trong văn học kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp.

BÀI CÙNG NHÓM
TAILIEUCHUNG - Chia sẻ tài liệu không giới hạn
Địa chỉ : 444 Hoang Hoa Tham, Hanoi, Viet Nam
Website : tailieuchung.com
Email : tailieuchung20@gmail.com
Tailieuchung.com là thư viện tài liệu trực tuyến, nơi chia sẽ trao đổi hàng triệu tài liệu như luận văn đồ án, sách, giáo trình, đề thi.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm liên quan đến các vấn đề bản quyền nội dung tài liệu được thành viên tự nguyện đăng tải lên, nếu phát hiện thấy tài liệu xấu hoặc tài liệu có bản quyền xin hãy email cho chúng tôi.
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.