Đang chuẩn bị nút TẢI XUỐNG, xin hãy chờ
Tải xuống
| Chênh lệch phát triển không chỉ thể hiện qua sự cách biệt giữa 2 nhóm nước mà còn thể hiện khá rõ nét trong mỗi nước thành viên ASEAN. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, nghèo đói và bất bình đẳng cao trong một nước thành viên ASEAN có thể trở thành nhân tố tiềm ẩn de doạ an ninh kinh tế không chỉ của bản thân nước đó mà còn có thể lan truyền sang các nước thành viên khác. Nghèo đói và bất bình đẳng cao là thách thức lớn nhất mà các nước ASEAN phải nỗ lực vượt qua. Chuẩn đói nghèo ở mỗi nước lại khác nhau nên khó có thể so sánh tuyệt đối, song nhìn chung tỷ lệ nghèo đói ở ASEAN còn khá cao, trong đó chủ yếu tập trung ở nông thôn; thực trạng nghèo đói ở các nước CLMV, dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong xoá đói giảm nghèo theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), vẫn khá nghiêm trọng và là thách thức lớn đối với chính phủ các nước này. Bất bình đẳng trong phân phối thu nhập được đo bằng chỉ số Gini ở 6 nước ASEAN cũ đều cao hơn so với các nước CLMV, điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật Kuznet mang hình chữ U ngược là bất bình đẳng có xu hướng tăng trong giai đoạn đầu công nghiệp hoá và giảm khi nền kinh tế đã phát triển chín muồi hay nói khác đi là các nước có thu nhập trung bình thường có mức bất bình đẳng cao hơn các nước thu nhập thấp và các nước thu nhập cao. Tuy vậy, chính phủ các nước ASEAN cũng cần nỗ lực giảm bất bình đẳng trong phân phối thu nhập thông qua các chính sách phân phối lại và chính sách an sinh xã hội,. Chênh lệch giữa 20% giàu nhất so với 20% nghèo nhất trong ASEAN cũng khá lớn, trầm trọng nhất là Thái Lan (15,8 lần), Philipin (hơn 10 lần), Xingapo (hơn 7 lần), Inđônêxia (gần 5 lần); con số tương ứng của các nước CLMV là hơn 5 lần và đang có xu hướng rộng ra.