Về bài ca dao “Khăn thương nhớ ai…”

Ca dao cổ truyền Việt Nam có nhiều khúc, nhiều câu diễn tả nỗi nhớ của con người ở mọi cảnh huống, mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất vẫn là nỗi nhớ của những đôi lứa đang yêu:

- Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

- Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than.

- Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai?

Nhưng nhớ mà cứ kể mãi rằng nhớ thì có phần nhiều lời quá chăng? Bởi thế, bài ca Khăn thương nhớ ai dường như có một vị trí riêng trong ca dao về nỗi nhớ.

Bài ca diễn tả nỗi nhớ niềm thương của một cô gái. Đó là nỗi nhớ thương đến tan chảy cả cõi lòng nhưng không tự bộc lộ một cách buông tuồng dễ dãi. Đó cũng là tâm trạng nỗi lòng biết ngỏ cùng ai, cứ hiện hình dần lên và sáng mãi ra từ trong cõi nhớ của riêng mình cô gái. Hẳn là nhớ thương phải bồn chồn lắm, nên cô mới hỏi dồn dập đến vậy: hỏi khăn, hỏi đèn, rồi hỏi cả mắt mình nữa! Những câu hỏi không có câu trả lời liên tiếp cất lên như nén chặt nỗi thương nhớ trong lòng, để rồi cuối cùng trào ra bằng một niềm lo âu mênh mông cho hạnh phúc lứa đôi của mình:

Đêm qua em những lo phiền

Lo vì một nỗi không yên một bề...

Cái khăn được hỏi đến đầu tiên và được hỏi nhiều nhất, trong 6 câu thơ (tức nửa bài ca). Cũng đúng thôi. Giống như cái áo, cái khăn đội đầu hoặc cái khăn tay, thường là vật trao duyên, vật kỉ niệm gợi nhớ người đàng xa (Gửi khăn, gửi áo, gửi lời, Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa; Nhớ khi khăn mở trầu trao, Miệng chỉ cười nụ biết bao nhiêu tình...). Sáu câu thơ được cấu trúc theo lối vắt dòng láy lại 6 lần từ khăn ở vị trí đầu câu thơ và láy lại 3 lần khăn thương nhớ ai như một điệp khúc, làm cho nỗi nhớ càng thêm triền miên da diết. Sầu đong càng lắc càng đầy. Dường như mỗi lần hỏi là một lần nỗi nhớ lại trào dâng. Cố nhiên, cái khăn không tự nó làm nên chuyện. Nhưng đằng sau tất cả sự xuống, lên, rơi, vắt (trong nghệ thuật đảo thanh và cách sử dụng hình ảnh vận động trái chiều nhau) của cái khăn kia là một con người hiện lên rất rõ trong tâm trạng ngổn ngang trăm mối tơ vò. Nhớ đến mức không còn tự chủ được cả bước đi dáng đứng, ra ngẩn vào ngơ, nhớ đến mức khăn vắt lên vai, khăn rơi xuống đất thì phải là một nỗi nhớ đăm sâu. Đó là nỗi nhớ có không gian. Cái không gian trải ra trên nhiều chiều (khăn vắt lên vai, khăn rơi xuống đất, khăn chùi nước mắt), còn nỗi nhớ thì quanh quất ở mọi hướng, khiến cho con người không thể đứng đâu yên ổn được (Như đứng đống lửa, như ngồi đống than). Và nỗi nhớ ấy đã dẫn đến cảnh khóc thầm khăn chùi nước mắt. Biết bao cô gái đã khóc thầm như thế trong ca dao thuở xưa:

Nhớ ai em những khóc thầm

Hai hàng nước mắt dầm dầm như mưa.

Sáu câu thơ hỏi khăn, 24 chữ, thì đã có đến 16 thanh bằng mà hầu hết là thanh không, làm cho nỗi nhớ thương càng thêm bâng khuâng, da diết mà vẫn man mác, nhẹ nhàng. Nỗi nhớ bên trong réo thúc bùng sôi nhưng được nói ra thật ý vị, ngọt ngào. Đó là nỗi nhớ mang màu sắc nữ tính, nói lên nhân cách của một người nhớ mà biết trân trọng nâng niu nỗi nhớ, biết ghìm lại nỗi nhớ kín đáo trong lòng mình. (Đây cũng là kiểu nhân vật trữ tình khá phổ biến trong các khúc hát giao duyên Việt Nam).

Như vậy là, với 6 câu thơ đầu, nỗi nhớ đã lan toả vào không gian, thâm đượm vào không gian. Nhưng không chỉ có thế. Nỗi nhớ ở đây còn được đo theo thời gian: từ nỗi nhớ ban ngày đã chuyển sang nỗi nhớ ban đêm. Ca dao có nhiều câu hát về nỗi nhớ ban đêm: Nửa đêm trở dậy trông trời...; Đêm qua ra đứng bờ ao...; Đêm khuya thắp chút dầu dư...; Anh đi đường ấy bao xa, Để em ôm bóng trăng tà năm canh... Ở bài ca này có một cách diễn tả riêng, nhất quán và độc đáo. Điệp khúc thương nhớ ai được giữ lại, nhưng nỗi nhớ đã được đặt vào cây đèn. Nhớ từ ngày sang đêm, từ tấm khăn đến ngọn đèn... là nỗi nhớ theo thời gian (Đèn thương nhớ ai; Mà đèn chẳng tắt). Điều này cũng có tính ước lệ, nó chứng tỏ bài ca là sự thu hút những câu hát lẻ vào một hệ thống. Và trong cái khoảng ưu tư vò võ của đêm khuya khắc vợi canh tàn, thì cái đốm lửa đang cháy sáng trên đầu ngọn bấc kia cũng chính là nỗi nhớ vẫn đang cháy rực lên trong lòng cô gái. Chừng nào ngọn lửa tình (cùng như hạt mưa tình trong ca dao) vẫn cháy sáng trong trái tim của người con gái thì ngọn đèn kia tắt làm sao được? Đèn chẳng tắt hay chính con người đang trằn trọc thâu đêm trong nỗi nhớ thương đằng đẵng với thời gian? vẫn là câu hỏi không có lời đáp nhưng chắc chắn đã có sức đồng vọng mãnh liệt trong tâm hồn .chàng trai cũng đang ngổn ngang trăm mối. Và nếu như trên kia, cái khăn biết giãi bày, thì ở đây ngọn đèn cũng biết thổ lộ, nó đã nói với chúng ta nhiều điều không có trong lời ca...

Nhưng dù kín đáo, gợi cảm bao nhiêu, thì cái khăn và ngọn đèn cũng chỉ là những cách nói gián tiếp theo lối biểu tượng, nhân hoá. Đến đây, như không kìm lòng được nữa, cô gái đã hỏi trực tiếp chính mình:

Mắt thương nhớ ai

Mắt ngủ không yên.

Nỗi ưu tư còn nặng trĩu. Khối tình vẫn y nguyên. Cho nên đêm nằm lưng chẳng tới giường, cứ nhắm mắt vào, người thương lại hiện lên, ngủ làm sao cho được? Thế thì có phải tại đôi con mắt nhớ người thương? Cũng là em, cũng là cô gái đấy thôi, nhưng nỗi nhớ niềm thương lần này được đặt vào đôi con mắt, cái cửa sổ tâm hồn của con người... ở trên đèn chẳng tắt thì ở đây mắt ngủ không yên: hình tượng thật là hợp lí, nhất quán và tự nhiên như cuộc sống con người, như chính niềm thương nỗi nhớ của cô gái. Không thể có hình tượng nào hay hơn thế nữa.

Nỗi nhớ được nói đến liên tiếp dồn dập trong 10 câu thơ 4 chữ. Cô gái chỉ hỏi mà không có lời đáp. Năm lần hỏi, năm lần từ ai vang lên trong điệp khúc thương nhớ ai xoáy vào lòng ta một nỗi niềm khắc khoải. Bản thân từ ai mang ý phiếm chỉ, gợi lên một nỗi nhớ thương sâu thẳm mênh mông, không có giới hạn. Nhưng người đọc vẫn ngầm hiểu lòng cô gái. Thì còn ai vào đấy nữa, nếu không phải là chàng trai mà cô gái đang bùng lên trong lòng một nỗi nhớ không nguôi. Thành ra hỏi mà không trả lời, nhưng chính câu trả lời đã được khẳng định này mạnh mẽ hơn, lại có ý vị hơn, vì nó là cách khẳng định mang tính nghệ thuật. Đó cũng là cách nói của người bình dân trong ca dao như Hoài Thanh đã từng nhận xét: Một phần khá lớn cái hay của ca dao là không nói thẳng vào ý chính cần nói nhưng mấy ai không hiểu ý chính đó của câu ca dao? (Văn nghệ 1 - 1982).

Đoạn thơ còn hay ở cách gieo vần:

Khăn thương nhớ ai

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai

Khăn vắt lên vai?

Khăn thương nhớ ai

Khăn chùi nước mắt?

Đèn thương nhớ ai

Mà đèn chẳng tắt?

Mắt thương nhớ ai

Mắt ngủ không yên.

Vần chân và vần lưng xen kẽ nhau: vần ai với thanh bằng và vần ất (ắt) với thanh trắc. Tất cả quyện vào nhau, xoắn xuýt lấy nhau tạo nên một âm điệu luyến láy liên hoàn khiến cho nỗi nhớ thương của cô gái vừa như đọng lại xoáy sâu vào lòng ta, lại vừa như kéo dài ra đến mênh mông vô tận. Đó là nỗi nhỡ thương bùng cháy được nén lại nhưng rồi lại toả ra bâng khuâng, man mác trong không gian và thời gian... Và cứ theo cái cung cách cấu tứ như thế (cô gái có thể còn hỏi nữa) thì bài ca sẽ không có kết thúc như nỗi nhớ và sự ưu tư kia còn là đến vô cùng... Bởi thế, lần theo mạch cảm xúc chạy suốt bài ca đến điểm dừng tạm thì niềm thương nhớ ấy lại trào ra thành nỗi lo phiền của cô gái:

Đêm qua em những lo phiền

Lo vì một nỗi không yên một bề...

Đây không phải là tình yêu và nỗi nhớ thương bình thường. Từ nhịp thơ 4 chữ dồn dập, lời ca chuyển sang lục bát, nhẹ nhàng hơn nhưng cũng xao xuyến hơn, rung động lòng ta bởi một niềm lo âu mênh mông trước hạnh phúc lứa đôi của cô gái. Nhớ thương người yêu nhưng vẫn lo lắng cho số phận của mình, cho duyên phận đôi lứa không yên một bề. Phải đặt bài ca này trong cuộc sống của người phụ nữ ta xưa và trong hệ thống của những bài ca than thân về hôn nhân và gia đình, ta mới thấy hết ý nghĩa của hai câu kết. Hạnh phúc lứa đôi của họ thường bấp bênh vì tình yêu tha thiết đâu đã dẫn đến hôn nhân cụ thể, mà vẫn nơm nớp một nỗi lo sợ mênh mông:

Thương anh cũng muốn nói ra

Sợ mẹ bằng đất, sợ cha bằng trời.

Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà trong phần cuối, bài ca đã hai lần nhắc tới nỗi lo phiền và cũng hai lần nhắc tới nỗi không yên một bề. Chỉ có điều là, qua tâm trạng lo âu đó, ta vẫn nhận ra ở đây một tiếng hát đầy yêu thương và một tấm lòng đòi hỏi phải được yêu thương. Phải chăng đó là lí do khiến cho nỗi nhớ này không hề bi luỵ mà vẫn chan chứa tình người, dạt dào sức sống? Và bài ca vẫn là một khúc hát trữ tình lạc quan của người bình dân Việt Nam thuở xưa...

Chính vì vậy, Khăn thương nhớ ai đã vượt được chặng đường thời gian những mấy ngàn năm đến với chúng ta trong những ngày hôm nay khi con người vẫn đang cần tình yêu, cần những nỗi thương nhớ ngọt ngào và sâu lắng như thế. Nó xứng đáng là một trong những viên ngọc thơ long lanh của người bình dân Việt Nam, như lời nhận xét của nhà phê bình Hoài Thanh khi bình bài ca dao này: Nếu chỉ có hai câu sau cùng thì ta đã thấy bài thơ hay rồi nhưng là loại hay có thể hiểu được. Còn như hai câu đầu thì hay đến mức cơ hồ không hiểu được không rõ hẳn là nói gì mà vẫn thấy hay. Tôi xem đó là một trong những câu ca dao hay nhất của Việt Nam.

BÀI CÙNG NHÓM
TAILIEUCHUNG - Chia sẻ tài liệu không giới hạn
Địa chỉ : 444 Hoang Hoa Tham, Hanoi, Viet Nam
Website : tailieuchung.com
Email : tailieuchung20@gmail.com
Tailieuchung.com là thư viện tài liệu trực tuyến, nơi chia sẽ trao đổi hàng triệu tài liệu như luận văn đồ án, sách, giáo trình, đề thi.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm liên quan đến các vấn đề bản quyền nội dung tài liệu được thành viên tự nguyện đăng tải lên, nếu phát hiện thấy tài liệu xấu hoặc tài liệu có bản quyền xin hãy email cho chúng tôi.
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.