Trình bày cách tổng kết tình hình thực tế của Cô - phi An - nan về nạn dịch HIV/AIDS trong bản Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 - 12 - 2003

Từ năm 1997, Cô-phi An-nan làm Tổng thư kí của Liên hợp quốc và ông giữ hai nhiệm kì liền (1997 - 2007). Trong diễn văn Thông điệp cho thiên niên kỉ mới (31 - 12 - 1999), ông phát biểu: Hơn bao giờ hết trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang chia sẻ với nhau cùng một số phận. Chúng ta chỉ có thể làm chủ số phận của mình khi nào chúng ta cùng nhau đối diện với nó. Đó là lí do tại sao chúng ta có Liên hợp quốc. Đó cũng có thể được dùng như lời hiệu triệu nhân loại trước đại dịch HIV/AIDS. Bốn năm sau, nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 - 12 - 2003, ông đã gửi một bản Thông điệp đến nhân dân trên toàn thế giới. Điều này đã cho thấy quyết tâm bền bỉ của ông trong việc theo đuổi cuộc đấu tranh chống lại một mối hiểm nguy đang đe dọa toàn nhân loại.

Trong bản Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 - 12 - 2003, Cô-phi An-nan đã tổng kết tình hình thực tế về việc phòng chống đại

dịch HIV/AIDS trong thời gian qua một cách trung thực, tạo cơ sở dẫn tới những kiến nghị mà ông sẽ nêu ra. Phần điểm lại tình hình được ông viết ngắn gọn, súc tích nhưng đã thể hiện được cái nhìn bao quát, sự đánh giá một cách toàn diện. Tác giả đã thể hiện một tầm nhìn rộng lớn, xứng đáng với cương vị của một người đang gánh vác trọng trách Tổng thư kí Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế lớn nhất, quan trọng nhất và có uy tín nhất trên thế giới.

Trước hết, ông nhắc lại Tuyên bố về Cam kết phòng chống HIV/AIDS mà các quốc gia đã thống nhất tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó có một loạt mục tiêu cụ thể, kèm theo hạn chế để chiến đấu chống lại bệnh dịch này. Trên cơ sở đó, Cô-phi An-nan đã điểm lại đầy đủ những việc đã làm được và những việc làm chưa tốt ở những khu vực khác nhau trên thế giới trong các giới tính, lứa tuổi khác nhau, những hành động của các quốc gia, các tổ chức xã hội, các công ty, các nhóm từ thiện và cộng đồng.

Nhưng tổng hợp, bao quát không có nghĩa là chung chung, trừu tượng. Tác giả còn tỏ ra nắm rất vững điều ông cần thông báo. Cô-phi An-nan đã đưa vào trong văn kiện của ông không ít số liệu, tình hình cụ thể, được cung cấp một cách chọn lọc và rất kịp thời, khiến người đọc phải giật mình như nghe hồi chuông báo động khẩn cấp. Chẳng hạn, thay vì nói tổng số người nhiễm HIV trong khoảng một năm thì ông đã tìm cách nói có khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ và ngay lập tức đối với tâm trí con người: Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng 10 người bị nhiễm HIV. Đặc biệt, HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ. Giờ đây phụ nữ đã chiếm tới một nửa trong tổng số người nhiễm trên toàn thế giới. Tại khu vực mới đây còn được coi là hầu như vẫn còn an toàn thì bệnh dịch này lại lan rộng nhanh nhất, đặc biệt là Đông Âu. và toàn bộ châu Á, từ dãy núi U-ran đến Thái Bình Dương. Đó là một tốc độ lây nhiễm quá nhanh. Vậy là để thuyết phục mọi người hiểu rằng các nỗ lực chống HIV/AIDS của nhân loại trong thời gian qua là hoàn toàn chưa đủ, tác giả đã chú ý làm rõ tốc độ lây lan chóng mặt của căn bệnh thế kỉ này cùng với những con số và sự kiện xác thực. Với tốc độ lây lan ấy, đại dịch HIV/AIDS thường đẩy con người vào thế bị động để khiến con người luôn phải bị kiểm điểm với những câu nói bắt đầu bằng cụm từ lẽ ra - một cụm từ thể hiện sự hối tiếc hay ân hận: lẽ ra chúng ta phải giảm được 1/4 số thanh niên bị nhiễm HIV ở các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất; lẽ ra chúng ta phải giảm được một nửa tỉ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm; và lẽ ra chúng ta phải triển khai các chương trình chăm sóc toàn diện ở khắp mọi nơi. Có thể nói, Cô-phi An-nan đã tỏ ra khá thành công trong việc lựa chọn và sáng tạo những cách thức thích hợp để những dữ kiện, những con số được ông đưa ra có tác động mạnh nhất, trực tiếp nhất tới tâm trí người nghe.

Cách tổng kết tình hình thực tế của Cô-phi An-nan có trọng tâm và điểm nhấn. Đọc bản thông điệp này, ta thấy dường như xúc cảm chân thành cùa tác giả được đặt nhiều hơn vào đoạn nói về dịch HIV/AIDS. Người đọc thấy rõ một cõi lòng không yên, lời nào cũng thao thức, bồn chồn, trăn trở như có một việc trót hẹn mà chưa làm. Nỗi day dứt lớn nhất trở thành một trực cảm của ông là hành động của chúng ta vẫn quá ít so với yêu cầu thực tế. Từ điểm nhấn này mà cảm xúc của ông lan tỏa khắp miền tâm tư, thôi thúc lương tâm, kêu gọi hành động khẩn cấp. ông lo lắng vì đại dịch HIV/AIDS có rất ít dấu hiệu suy giảm do chúng ta chưa hoàn thành được một số mục tiêu đề ra cho năm nay

(năm 2003). Đoạn văn ngắn cứ lặp đi lặp lại cấu trúc câu đồng dạng: chúng ta đã không hoàn thành...; chúng ta đã bị chậm...; lẽ ra chúng ta phải... nghe như nhịp đập của một trái tim đầy lo lắng, day dứt khôn nguôi. Người đọc khắp hành tinh đã tiếp nhận bản thông điệp này bằng một lí trí tỉnh táo, sáng suốt và bị thuyết phục bởi một tấm lòng nhân ái bao la, cảm động, chân tình của vị Tổng thư kí Liên hợp quốc.

BÀI CÙNG NHÓM
TAILIEUCHUNG - Chia sẻ tài liệu không giới hạn
Địa chỉ : 444 Hoang Hoa Tham, Hanoi, Viet Nam
Website : tailieuchung.com
Email : tailieuchung20@gmail.com
Tailieuchung.com là thư viện tài liệu trực tuyến, nơi chia sẽ trao đổi hàng triệu tài liệu như luận văn đồ án, sách, giáo trình, đề thi.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm liên quan đến các vấn đề bản quyền nội dung tài liệu được thành viên tự nguyện đăng tải lên, nếu phát hiện thấy tài liệu xấu hoặc tài liệu có bản quyền xin hãy email cho chúng tôi.
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.