Cảm nhận của anh (chị) về vẻ đẹp của dòng sông Hương qua tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức yêu nước, quê gốc ở Quảng Trị nhưng sống và học tập, hoạt động ở Huế nên tâm hồn thấm đẫm văn hóa Huế. Ông là nhà nhà văn chuyên viết bút kí - một thể loại thể hiện sự phóng túng, bộc lộ được cái tôi của tác giả. Bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường có một diện mạo riêng - vừa giàu trí tuệ, vừa giàu chất thơ, nội dung thông tin về văn hóa, lịch sử rất phong phú, đa dạng. Điều này được thể hiện rõ nét trong bài bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? (1986). Bài kí đã ca ngợi dòng sông Hương như một biểu tượng của Huế. Tác phẩm gây ấn tượng cho người đọc ngay từ nhan đề của tác phẩm - nhan đề giống như một câu hỏi gợi sự hấp dẫn, cuốn hút, gợi trí tò mò, thể hiện sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của sông Hương.

Trước hết, vẻ đẹp của sông Hương được tác giả phát hiện qua cảnh sắc thiên nhiên, qua sự thay đổi của chính dòng sông. Thật vậy! Ở thượng nguồn, sông Hương hiện lên thật huyền bí, dữ dội, có lúc lại dịu dàng, say đắm. Sông Hương được nhìn từ cội nguồn là dòng chảy có mối quan hệ sâu sắc với dãy Trường Sơn. Trong mối quan hệ này, sông Hương tựa như một bản trường ca của rừng già với nhiều tiết tấu hùng tráng, dữ dội: khi rầm rộ giữa bóng cây đại ngànf lúc mãnh liệt vượt qua ghềnh thác, khi cuộn xoáy như cơn lốc, lúc lại dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Và như vậy, đây đúng là một dòng sông có vẻ đẹp phóng khoáng và man dại , nhưng bên cạnh đó thì sông Hương cũng rất dịu dàng, thơ mộng và say đắm. Sông Hương ở vùng thượng lưu toát lên vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, hoang dại và đầy cá tính.

Khi chảy qua rừng già, sông Hương mang vẻ đẹp của một sức sống trẻ trung, mãnh liệt và hoang dại; để rồi khi ra khỏi rừng, sông đã thay đổi về tính cách, nó trở nên mềm mại và êm dịu. Sông mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Thật ra, cái vẻ đẹp dịu dàng, trí tuệ này của dòng sông đã có cội nguồn ở phần tâm hồn sâu thẳm của nó trong cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua. Đoạn văn tả sông Hương chảy xuôi về đồng bằng và ngoại vi thành phố đã bộc lộ nét lịch lãm và tài hoa trong lối hành văn của tác giả. Độc giả khó có thể cưỡng lại một sức hấp dẫn toát lên từ hàng loạt động từ tả dòng chảy sống động của sông Hương qua những địa danh khác nhau của xứ Huế. Giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại, sông Hương là cô gái ngủ mơ màng; nhưng sau khi ra khỏi vùng núi, thì cũng như nàng tiên được đánh thức, dòng sông bỗng bừng lên sức trẻ và niềm khao khát của tuổi thanh xuân trong sự chuyển dòng liên tục, rồi vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm. Vừa mạnh mẽ dịu dàng, sông Hương có lúc mềm như tấm lụa khi qua Vọng Cảnh, Tam Thai, Lưu Bảo; có khi ánh lên những mảng phản quang nhiều màu sắc trên nền trời phía tây nam thành phố “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”. Màu sắc của sông đã thay đổi theo mỗi thời điểm trong ngày và mang vẻ đẹp trầm mặc khi đi qua bao lăng tẩm, đền đài. Chưa có một dòng sông nào mà màu nước lại thay đổi theo từng thời điểm trong ngày như vậy. Quả thực, sông Hương có được vẻ đẹp bình dị nhưng không tầm thường, trầm mặc nhưng không ủy mị, dịu dàng nhưng vẫn tiềm ẩn khí mạnh của đất đai (Sử thi buồn). Bên cạnh đó, sông Hương còn mang một vẻ đẹp kín đáo trầm mặc khi uốn lượn quanh những rừng thông đặt lăng mộ vua chúa nhà Nguyễn, nó phảng phất vẻ đẹp cổ điển khi qua chùa Thiên Mụ và trở nên vui tươi khi lượn vòng quanh những khóm tre, bụi trúc của thôn Vĩ Dạ nên thơ. Bằng những kiến thức về văn hóa, lịch sử, văn học đã in dấu vào những câu văn nói về những địa danh, những lăng tẩm, tiếng chuông chùa Thiên Mụ về vẻ đẹp trầm mặc mang màu sắc triết lí của sông Hương đoạn ngoại vi thành phố Huế vào câu ca dao: Bốn bề núi phủ mây phong - Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng Vạn Niên. Dưới ngòi bút tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì vẻ đẹp của sông Hương hiện lên vừa kiều diễm, vừa cổ kính và mang đậm vẻ đẹp của cố đô Huế.

Hành trình tiếp theo của sông Hương là chảy vào thành phố Huế. Ở chặng đường này, tác giả đã miêu tả sông Hương gặp gỡ Huế như là một cuộc gặp gỡ của hai người yêu nhau, lâu ngày không gặp. Khi đến thành phố Huế, sông Hương như đã tìm thấy chính mình. Nó trở nên vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long, dòng sông kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hướng tây nam - đông bắc, rồi uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến cồn Hến khiến dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Ở đoạn này, sông Hương hiện lên e thẹn, ngượng ngùng khi gặp người tình mong đợi và thể hiện sự thuận tình, bằng lòng mà không nói ra. Câu văn viết về dòng sông nhưng không chỉ nói được về dòng sông mà còn nói được về con người - những cô gái Huế dịu dàng, thướt tha, đa tình mà e lệ, kín đáo nhẹ nhàng. Khi đã yêu, họ có ngôn ngữ riêng biểu hiện sự thuận tình mà không nói ra vì e lệ. Một ánh mắt, một nụ cười, một cách cúi đầu,... có thể là tín hiệu của sự thuận tình, đâu phải lúc nào cùng cần nói ra tiếng vâng. Ngoài ra, lưu tốc của sông Hương khi qua thành phố cũng giảm hẳn đi, cơ hồ chỉ còn là mặt hồ yên tĩnh. Đây cũng là một nét đẹp riêng khác với các dòng sông khác ở nước ta và càng khác với các dòng sông Xen, sông Đa-nuýp, sông Nê-va,... Ở góc độ này, sông Hương chính là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế. Sông Hương chảy chậm, điệu chảy lững lờ vì nó quá yêu thành phố của mình, nó muốn được nhìn ngắm nhiều hơn nữa thành phố thân thương trước khi phải rời xa. Đó là tình cảm của sông Hương với Huế hay chính là tình cảm của nhà văn với sông Hương, với xứ Huế mộng mơ? Có lẽ là cả hai!

Hội ngộ, gắn bó rồi phải chia tay. Sông Hương chia tay với Huế thật bịn rịn, lưu luyến bâng khuâng. Đây là sự lưu luyến bịn rịn của đôi tình nhân: như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh cổ xưa. Cuộc chia tay của dòng sông với thành phố Huế như cuộc chia li lưu luyến của đôi tình nhân, đi chưa nỡ phải vòng quay lại gặp nhau lần cuối. Tác giả gọi đó là nỗi vấn vương, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và ta thấy, trong cảm nhận của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương và Huế chẳng khác nào một cặp tình nhân. Sông Hương vốn đã đẹp, mộng mơ nhưng qua cái nhìn, cách khám phá của tác giả thì con sông đã trở nên có hồn, sống động, tràn trề sức sông đầy lãng mạn tình tứ.

Đó không chỉ đơn thuần là dòng sông của thiên nhiên mà đó còn là dòng sông của văn hóa, dòng sông của thi ca, của âm nhạc. Sông Hương hiện lên như dòng sông âm nhạc khi tác giả miêu tả nó như một người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Theo tác giả, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này. Giữa mênh mang sông nước, giữa tĩnh lặng của màn đêm, từng lời ca, tiếng nhạc đã thấm sâu vào hồn người đế lại những dư vị không nguôi. Và hơn thế nữa, nhà văn còn liên tưởng tới câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tả tiếng đàn trong như tiếng-hạc, làm gợi nhớ làn điệu nhạc Huế Tứ đại cảnh’. Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới sa nửa vời. Ông chỉ ra được chất Huế, linh hồn Huế trong thơ Nguyễn Du. Nguyễn Du đã từng làm quan ở Huế, vì thế Hoàng Phủ Ngọc Tường có căn cứ để suy đoán thi hào đã từng nhiều đêm dạo thuyền trên sông Hương, ngắm phiến trăng sầu trên bầu trời Huế và nghe nhạc cổ điển trên sông nước Huế. Tuy nhiên, từ sông Hương đến Truyện Kiều, sự liên tưởng của tác giả chủ yếu là dựa vào những nét tương đồng trong cảnh sắc thiên nhiên. Phải yêu Huế lắm, am hiểu Truyện Kiều lắm thì mới có những liên tưởng sâu sắc đến như vậy.

Dòng Hương Giang còn là đề tài gợi cảm hứng cho các nghệ sĩ để tạo nên một dòng thi ca về nó. Dòng thi ca về sông Hương không bao giờ lặp lại mình bởi mỗi nghệ sĩ đều có khám phá riêng của mình: từ Hương Giang xanh biếc hàng ngày, nó thay màu thực bất ngờ trong thơ Tản Đà: dòng sông trắng - lá cây xanh; từ dòng tha thiết, êm đềm, mơ màng, sông Hương bỗng nhiên hùng tráng như kiếm dựng trời xanh khí phách hào hùng trong thơ Cao Bá Quát; để rồi chuyển thành nỗi quan hoài vạn cổ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan hay trở thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn trong thơ Tố Hữu,.... Quả thật là sông Hương luôn đem đến nguồn cảm hứng mới mẻ, bất tận cho các thi nhân.

Tiếp tục cuộc hành trình khám phá vẻ đẹp sông Hương, tác giả đem đến cho người đọc vẻ đẹp của dòng sông gắn với lịch sử hào hùng của mảnh đất cố đô. Đó là lần theo thời gian lịch sử, tác giả lùi về quá khứ xa xưa thời các vua Hùng, sông Hương hiện lên là một dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước. Rồi đến thế kỉ XV, XVI, sông Hương đã chiến đấu oanh liệt bảo vệ biên giới phía Nam Đại Việt hay vẻ vang soi bóng kinh thành Phú Xuân của anh hùng Nguyễn Huệ; để rồi, trong kháng -chiến chống Pháp, sông Hương chứng kiến những bi thương của phong trào khởi nghĩa cần Vương và lập nên chiến công oanh liệt trong Cách mạng tháng Tám. Trong kháng chiến chống Mĩ, tết Mậu Thân, sông Hương góp sức mình vào chiến dịch này, mong muốn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Như vậy, qua bài bút kí, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn phát hiện ra vẻ đẹp hùng tráng của dòng sông thơ mộng này giữa lòng Trường Sơn, gắn nó với lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng của dân tộc. Sông Hương đã mang vẻ đẹp của thiên sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc - sử thi mà trữ tình, hùng ca mà cũng là bản tình ca dịu dàng, tươi mát.

Và cuối cùng, vẻ đẹp sông Hương còn được biểu hiện trong trí tưởng tượng sáng tạo đầy tài hoa của tác giả. Bằng biện pháp nhân hóa, sông Hương hiện ra tựa cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại với một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Đây là một liên tưởng thú vị và độc đáo. Những cô gái Di-gan thích sống lang thang, tự do và yêu ca hát, nhảy múa, có vẻ đẹp man dại đầy quyến rũ.. Ví sông Hương với những cô gái Di-gan, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khắc sâu vào tâm trí người đọc một ấn tượng mạnh mẽ về vẻ đẹp hoang dại nhưng cũng rất tình tứ của con người. Cũng nhờ ngòi bút tài hoa của tác giả, sông Hương đã trở thành dòng sông bất tử, chảy mãi trong trí nhớ và tình cảm của người đọc. Nhà văn đã soi bóng tâm hồn mình với tình yêu say đắm quê hương xứ sở vào đối tượng miêu tả khiến đối tượng trở nên lung linh, huyền ảo, đa dạng như đời sống tâm hồn con người.

Để miêu tả thành công vẻ đẹp của dòng sông Hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã huy động một vốn kiến thức sâu rộng về văn hóa (góc nhìn âm nhạc, hội họa), địa lí (phát hiện vẻ đẹp đa dạng của sông Hương khi chảy qua từng khu vực), lịch sử (dòng sông Hương là nhân chứng, là thành viên tham gia các cuộc kháng chiến),... để khám phá, cảm nhận. Văn phong tao nhã, hướng nội tinh tế, tài hoa. Từ ngữ được tác giả chọn lọc khéo léo, gợi cảm và đã tạo nên những trang viết làm mê đắm lòng người. Những đoạn văn hướng nội tinh tế tài hoa tạo nên những trang viết giàu chất thơ phát hiện được vẻ đẹp đặc trưng, có chiều sâu của sông Hương. Đồng thời, tác giả đã kết hợp nhuần nhuyễn kể, tả với cái nhìn nhân hóa. Bút pháp kể, tả kết hợp nhuần nhuyễn ở đoạn sông đi qua đồng bằng làm nổi bật một Hương Giang đẹp bởi sự chi phối của cảnh kì thú giữa nó với thiên nhiên xứ Huế phong phú mà tài hoa. Cái nhìn nhân hóa đã khiến sông Hương không còn là một sự vật trong thiên nhiên mà đã là một sinh thể có linh hồn, gắn bó thiết tha với con người nơi đây.

Tóm lại, dòng sông Hương như là một công trình nghệ thuật tuyệt vời của Tạo hóa, một vẻ đẹp rất thơ, khơi nguồn cho cảm hứng thơ ca và gắn liền với nền âm nhạc cổ điển Huế, tạo nên bề dày lịch sử văn hóa của Huế. Ai đã đặt tên cho dòng sông? được đánh giá là bài kí hay nhất thể hiện bản tình ca ca ngợi vẻ đẹp sông Hương, ca ngợi vẻ đẹp Huế, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về cảnh sắc thiên nhiên của đất nước. Hoàng Phù Ngọc Tường xứng đáng là thi sĩ của thiên nhiên, một cuốn từ điển sống về Huế, một cây bút giàu lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Bài bút kí như lời cảm tạ của tác giả với đất mẹ Huế, nơi nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn.

BÀI CÙNG NHÓM
TAILIEUCHUNG - Chia sẻ tài liệu không giới hạn
Địa chỉ : 444 Hoang Hoa Tham, Hanoi, Viet Nam
Website : tailieuchung.com
Email : tailieuchung20@gmail.com
Tailieuchung.com là thư viện tài liệu trực tuyến, nơi chia sẽ trao đổi hàng triệu tài liệu như luận văn đồ án, sách, giáo trình, đề thi.
Chúng tôi không chịu trách nhiệm liên quan đến các vấn đề bản quyền nội dung tài liệu được thành viên tự nguyện đăng tải lên, nếu phát hiện thấy tài liệu xấu hoặc tài liệu có bản quyền xin hãy email cho chúng tôi.
Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.