Dân ta vốn có truyền thông hiếu học, tôn sư trọng đạo. Trong dân gian có biết bao câu tục ngữ giàu ý nghĩa nói về việc học, cho chúng ta những bài học sâu sắc về việc học. Nói về vai trò, và tác dụng của việc học thầy, học bạn, ông bà cha mẹ ta thường nhắc nhở con cháu:
“Không thầy đố mày làm nên”
và “Học thầy không tày học bạn”
Hai câu tục ngữ trên có gì đối lập nhau? Chúng ta cần phải quan niệm thế nào cho đúng về hai câu tục ngữ ấy?
Câu thứ nhất “Không thầy đố" mày làm nên”, với cách nói phủ định để khẳng định vài trò to lớn, quyết định của ông thầy trong việc đào tạo nhân tài, mở mang dân trí cho xã hội. Không có sự dạy dỗ giáo dục của ông thầy thì học sinh không thể “làm nên”, nghĩa là học sinh không thể trở nên khôn ngoan, có văn hóa, đạo đức, v.v...
Câu thứ hai “Học thầy không tày học bạn”, bằng cách so sánh, nhân dân ta lại đề cao việc học bạn. “Tày”: tiếng cổ, nghĩa là “bằng”. “Không tày” nghĩa là “không bằng”. So sánh việc học thầy với học bạn, câu tục ngữ khẳng định việc học bạn hơn việc học thầy.
Tóm lại, cả hai câu tục ngữ đều nói về bài học kinh nghiệm trong học tập, việc học thầy và việc học bạn. Vai trò ông thầy trong giáo dục là quyết định. Việc học bạn không thể coi nhẹ được.
Cả hai câu tục ngữ đều đúng, tuy nhiên còn phiến diện, chưa toàn diện.
Trong việc học chữ, học văn hóa, khoa học kĩ thuật, học võ, học nghề,... vai trò của thầy rất to lớn, có tính chất quyết định. Thầy có vốn kiến thức rộng, có nghiệp vụ sư phạm, có đạo đức, là khuôn vàng thước ngọc, là tấm gương sáng để dạy dỗ học sinh, làm cho nhân cách học sinh phát triển. Nhờ thầy dạy dỗ mà trẻ em nên người, có văn hóa, trở thành con ngoan, mai sau lớn lên thành người lao động tốt, người công dân tốt của đất nước. Có thầy giỏi mới có học trò giỏi. Phải tầm sư học đạo như thế! Càng học lên cao, chuyên ngành, vai trò người thầy cực kì quan trọng. Thầy là trên hết, thầy là trước hết. Trong xã hội cũ, sách vở ít, mối giao lưu xã hội hạn hẹp, khép kín cho nên vai trò ông thầy là quyết định: “Không thầy đố mày làm. nên”.
Việc học bạn cũng không kém phần quan trọng. Ngoài việc học thầy, học sinh cần biết học bạn. Bạn cùng lứa tuổi, gần gũi thân quen, bạn là gương sáng cho ta noi theo mà tiến bước. Bạn sẽ bày cho ta cách học, kinh nghiệm học. Có trường hợp sự giảng giải của bạn lại làm ta dễ tiếp thu và nhớ lâu vì bạn cùng trang lứa tuổi với ta. Chúng ta không chỉ học thêm văn hóa, học nghề... mà còn học tập ở bạn hữu về đạo đức, về cách sống đẹp.
Chỉ học thầy hoặc chỉ biết học bạn không thôi thì cũng chưa đủ. Vừa học thầy, vừa học bạn, hai cách học ấy bổ trợ cho nhau, giúp ta tiến bộ nhanh và vững chắc.
Trong xã hội xưa và nay, vai trò của ông thầy rất to lớn và quan trọng. Trong chế độ phong kiến, ba giềng mối của xã hội là: quân, sư, phụ. Có ông thầy, có nền giáo dục lành mạnh thì đất nước mới có đội ngũ trí thức đông đảo, dân trí được mở mang, nền kinh tế mới hưng thịnh được. Vì đề cao “tôn sư trọng đạo”, nhân dân ta mới có câu ca:
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”.
Học thầy thì phải kính trọng thầy, biết ơn thầy. Cùng với cái ơn sinh thành trời bể của mẹ cha, công ơn giáo hóa của thầy to lớn lắm:
“Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”.
Học bạn rất thiết thực. Bạn tốt, bạn giỏi là tấm gương sáng, cho ta noi theo để học tập và tiến bộ. Chúng ta phải thật sự khiêm tốn thì việc học bạn mới có kết quả. Học bạn lại phải biết chọn bạn vì “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
Chúng ta phải biết học thầy và học bạn và tự học trong cuộc sống “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Dù học thầy hay học bạn, chúng ta phải tự vận động, học một cách thông minh và sáng tạo.
Hai câu tục ngữ trên tuy phiến diện, nhưng đã coi trọng và đề cao học thầy và việc học bạn. Kính thầy mến bạn, siêng năng, chăm chỉ, khiêm tốn là những đức tính giúp ta tiến bộ và thành công.
Học để hiểu biết, học để làm người, học để phục vụ Tổ quốc, học để có cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp mai sau, cho nên ta phải coi trọng việc học, phải nhập tâm hai câu tục ngữ trên. Biển học bao la, phải học nhiều, học mãi. Phải tầm sư học đạo.