Bê-li-cốp là một giáo viên dạy tiếng Hi Lạp. Anh ta có tính cách và lối sống rất kì quái, luôn sống khép mình, bó mình trong một cái bao: “lúc nào cũng có khát vọng mãnh liệt thu mình vào trong một cái vỏ, tạo cho mình một cái bao có thể ngăn cách, bảo vệ hắn khỏi những ảnh hưởng bên ngoài”. Bê-li-cốp khác người từ những thói quen, lối sống thu mình, trang phục, nét mặt, cách nói chuyện, sinh hoạt, buồng ngủ... Kiểu sống của Bê-li-cốp cũng làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, khiến họ cũng có thói quen sợ sệt và sống thu mình như hắn. Khi Bê-li-côp có ý định lấy vợ, hắn đã nghĩ đến việc lấy cô gái có tên là Va- ren-ca. Nhưng ý định đó của hắn bị mọi người trêu ghẹo. Đặc biệt, hắn thực sự bị khủng hoảng tinh thần khi nhìn thấy Va-ren-ca đi xe đạp và bị em của Va-ren-ca mắng. Bê-li-côp trở về nằm im trong chăn một tháng rồi chết với vẻ mặt rất thanh thản như thể mừng vui vì đã được chui vào trong bao vĩnh viễn. Khi Bê-li- cốp chết đi rồi, cuộc sống lại trở về như cũ.
Ra đời vào cuối thế kỉ XIX ở nước Nga, giá trị nổi bật của tác phẩm "Người trong bao” là đã xây dựng được một điển hình nghệ thuật bất hủ về con người dưới chế độ Nga hoàng chuyên chế ngột ngạt. Bê-li-côp là điển hình cho tâm lí bạc nhược, an phận, cầu toàn, luôn mang trong mình tâm trạng lo sợ, hoài nghi, thất vọng, không dám đấu tranh; hắn là sản phẩm của xã hội chuyên chế bảo thủ - chế độ xã hội hà khắc nặng nề ấy đã tạo ra một lớp người nhu nhược, hèn nhát.