Nhắc đến ca dao, trong ta lại dâng lên một tình cảm ngọt ngào thương mến. Bởi ngay từ lúc trong nôi, khi chưa biết nói, chưa tiếp xúc, chưa biết cảm nhận thì bên tai ta cũng đã lung linh những điệu hát ca dao. Chưa hết, cho tới lúc trưởng thành ta lại nghe những câu ca dao phù hợp với lứa tuổi của mình. Nhẹ nhàng như tiếng hát, ca dao đi vào tình yêu đôi lứa cũng thật đơn giản, dễ thương, đầy tính chất phác của người nông dân:
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang,
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Cùng hoà với tình cảm chân thành của anh trai làng, ta cùng tìm hiểu bài ca dao.
Từ thuở những đàn vượn cổ biến thành con người thì tình yêu đôi lứa bắt đầu xuất hiện. Trải qua mấy chục thế kỉ, đối với mỗi người, tình yêu đôi lứa đều rất đẹp và không thể thiếu. Nó đã trở thành vĩnh cửu đối với loài người. Tình yêu đôi lứa ở nơi hương đồng gió nội càng đẹp bởi nó chân chất tình cảm trong sáng, giản dị của thôn quê nhưng lại rất đầm ấm tình người. Rất dễ thương, một anh con trai nặng lòng với một cô gái cùng làng, và vì biết rằng vạn sự khởi đầu nan, nên anh ta không biết làm cách nào để mở đầu câu chuyện, để làm bật ra cái cảm xúc chất chứa trong lòng nên đã cầu cứu đến trời đấy để dễ vào đề:
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng, xung quanh mây vàng.
Bâng quơ, giản dị thế đấy, nhưng ta cũng thấy được tâm trạng vui khó tả của anh con trai. Xanh, trắng, rồi lại đến vàng, hết trên, giữa rồi lại xung quanh tạo hình ảnh đẹp, cái đẹp quấn quít, đầy màu sắc tươi thắm. Tâm hồn của anh trai làng đẹp quá, đậm đà quá! Khi khó nói anh diễn đạt ý một cách vòng vo mà tế nhị, câu thơ là nhịp bật nối thật khéo với những ý mà anh ta cần thổ lộ: ước gì anh lấy được nàng.
Nàng, đó là ai? Một cô thôn nữ dịu dàng, duyên dáng cùng làng hay người hàng xóm bên? Nhưng dù là ai và ở tầng lớp nào, tình yêu của anh trai làng đối với nàng cũng thật đẹp, thật sâu sắc và thiết tha. Tình yêu đến với anh mới quá, lạ lùng quá và anh tìm cách tìm cách bày tỏ cho cô gái biết. Tình yêu của anh dễ thương quá. Anh không dám nói mạnh, thô bạo mà rụt rè anh đặt tất cả của mình trong hai chữ ước gì. Anh cũng không bật ra một câu hỏi, dù rất nhẹ nhàng như:
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Hoặc:
Thân em như tấm lụa đào...
Còn nguyên hay xé vuông nào cho ai ...?
Cái mở đầu tình tứ, e dè mà rõ ràng là nét đẹp rất riêng trong tình cảm. Bởi vì lẽ nào người anh yêu lại không biết tình cảm sâu đậm nhưng kín đáo của anh. Lẽ nào cô gái lại không hiểu tấm lòng rất đẹp, thật thà, nồng ấm của anh giành cho cô? Nhưng rồi, đến lúc nào đó, chàng trai không còn mượn thiên nhiên: Trên trời có đám mây xanh nữa, mà bộc lộ rõ ước muốn của mình: Anh lấy được nàng. Như mọi người khác, anh con trai yêu thật nên muốn làm đẹp người mình thương một cách trân trọng, anh muốn nàng thật sung sướng bằng chính sức lao động của anh:
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc, rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.
Gạch Bát Tràng là loại gạch nổi tiếng, tốt, đẹp nhất mà anh muốn mua để xây hồ cho nàng, hay là địa danh Bát Tràng khiến ta hiểu họ là hai người dân Bát Tràng đã gặp nhau trong những buổi lao động tại lò gạch, lò gốm? Tình yêu đôi lứa của những con người chất phác như thế thường bắt nguồn trong lao động, khi đó mỗi con người chất phác như thế thường bắt nguồn trong lao động, khi đó mỗi con người đều có một vẻ đẹp khoẻ mạnh, đáng yêu, đáng nhớ. Bắt nguồn từ lao động, tình yêu của họ sẽ trẻ mãi, đẹp và vững bền bởi họ là những người chăm chỉ, yêu đời, khoẻ mạnh và rất thật thà. Họ đáng được hưởng hạnh phúc trong cuộc sống. Nhưng, từ lúc yêu, từ lúc ước gì cho tới lúc lấy được cô gái, chàng trai phải trải qua nhiều khó khăn theo luật lệ của xã hội phong kiến. Biết đâu rồi có lúc chàng trai phải than và cô gái phải buồn mà:
Trèo lên cây khế nửa ngày
Ai làm chua xót lòng này, khế ơi.
Bởi vì đôi lúc chàng trai:
Sợ lòng bác mẹ cây cao lá dài.
Hoặc họ gặp cảnh:
Hai ta làm bạn thong dong
Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng
Bởi chưng thầy mẹ nói ngang
Cho nên đũa ngọc, mâm vàng xa nhau.
Hay khi cha mẹ bằng lòng thì chàng trai phải lo đủ:
... Một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
... đôi chiếu em nằm.
Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo ... quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồn cau.
Khó khăn thay, nhưng ta tin rằng họ sẽ vượt qua tất cả, bởi vì:
Đã yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,
Ngũ lục giang cũng lội, thất bát cửu đèo cũng qua.
Tóm lại, với ba cặp lục bát, từ ngữ tế nhị phù hợp với lời hỏi chuyện trăm năm của một chàng trai, ta thấy được tình cảm của người nông dân Việt Nam trong tình đôi lứa. Tình yêu nào chân thực từ tấm lòng đều là tình cảm đẹp. Nhưng tình yêu đẹp nhất là cái thuở:
Đôi ta như lửa mới nhen,
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.
Tình yêu của anh trai làng đang ở cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Đẹp lắm, nhưng rồi trong xã hội phong kiến, biết bao điều ràng buộc không biết rồi họ có lấy được nhau không? Bằng tất cả tấm lòng yêu mến, ta cầu chúc cho họ được hạnh phúc, cùng được ở với nhau trong một căn nhà dù có thế không phải nhà xây bằng gạch Bát Tràng.