Một đất nước mà đi bất cứ đâu ta cũng gặp núi cao biển rộng, sông dài, ruộng đồng thẳng cánh cò bay rồi những địa danh và phong cảnh kì thú thì thử hỏi sao ta không yêu, không tự hào, không tha thiết nhớ. Tất cả tình cảm, cảm xúc đó được thể hiện rất ngọt ngào qua bài ca dao - qua lời hát đối của đôi trai gái say cảnh, say người:
Ở đâu năm cửa nàng ơi...
Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?
Sông nào bên đục, bên trong?
Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?
Đền nào thiêng nhất xứ Thanh
Ở đâu mà lại có thành tiên xây?”
Chàng hỏi, nàng thưa, nội dung đối đáp là những tên đất, tên sông, danh lam thắng cảnh... mang đặc điểm riêng biệt, cụ thể nhưng đều giống nhau ở một điểm: tất cả đều nổi tiếng, đều khiến lòng người ghi nhớ, tự hào. Hài hoà ăn ý, tất cả cứ lung linh hiện về trong câu hỏi, lời trao, trong câu hát, trong lòng người. Theo lời hát của đôi trai gái, chúng ta được đi từ Năm cửa ô của Hà Nội xưa, qua sông Lục Đầu nơi gặp gỡ của sáu con sông đẹp của đất Bắc là sông Thương, sông cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Môn, sông Thái Bình rồi dừng chân ngắm sông Thương "nước chảy đôi dòng, bên đục bên trong" mà vẩn vơ nghĩ về lòng người. Chưa dừng ở đó, lời hát dẫn ta về Tản Viên nơi chàng Sơn Tinh xưa hoá phép cho núi thắt cổ bồng để ngăn dòng nước lũ của Thuỷ Tỉnh. Lòng ta chợt bâng khuâng nhớ về câu chuyện tình của hai chàng trai cùng đem lòng yêu Mị Nương tha thiết và ước vọng ngàn đời của người dân đất Việt chinh phục thiên nhiên qua hình tượng Sơn Tinh. Ngược dòng thời gian, theo câu hát ta lại cùng về với lễ hội Đền Sòng, nơi thờ Liễu Hạnh công chúa ở xứ Thanh, một trong bốn vị thần bất tử của người Việt, yêu mến bà dân ta đã tôn bà là Thánh mẫu Liễu Hạnh. Lễ hội Đền Sòng, còn gọi là Sòng Sơn được tổ chức vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 Âm lịch hàng năm với câu ca truyền tụng "Nhất vui lễ hội phủ Giày, vui là vui vậy chẳng tày Sòng Sơn". Khi đọc đến đây, hẳn ta sẽ muốn được tận tay mình, thắp một nén nhang thơm trên bàn thờ Thánh Mẫu tỏ chút lòng tri ân với cô công chúa nhà trời nhưng nặng lòng với chốn trần gian. Lời hát của chàng trai, cô gái còn dẫn ta về Lạng Sơn trương truyền có thành tiên xây. Mỗi vùng một nét, một vẻ riêng hợp thành bức tranh non nước - đẹp, thơ mộng, giàu truyền thống văn hoá và ý nghĩa nhân văn.
Không chỉ cho ta thêm những hiểu biết về vẻ đẹp của đất nước thân yêu, lời hát của đôi trai gái còn giúp ta cảm nhận thêm một nét sinh hoạt văn hoá rất Việt Nam - hát đối - một hình thức ca hát dân gian mà ta có thể bắt gặp ở rất nhiều vùng miền trên dải đất hình chữ s thân yêu từ hội hát Xoan Phú Thọ, quan họ Bắc Ninh, hát phường vải Nghệ Tĩnh, hát ví ghẹo, giao duyên ở miền Trung, những câu hò, câu cải lương Nam Bộ... Phải chăng đó cũng là một nét đẹp mà cha ông ta, bằng tâm hồn nhạy cảm, bằng niềm tin yêu cuộc sống đã sản sinh ra và gìn giữ ngàn đời để truyền lại cho cháu con. Một điều nữa, ẩn đằng sau những câu hát đối rất nhịp nhàng kia là niềm tự hào và tình yêu vô bờ với quê hương, đất nước mình. Nhẹ nhàng mà giản dị, chàng trai và cô gái đã truyền cho ta niềm tự hào, khát khao khám phá và tình yêu không giới hạn đó trong lòng họ.
Bài ca có thể còn kéo dài với nhiều lời hỏi đáp bởi trên đất nước thân yêu, đi tới đâu ta cũng bắt gặp những vùng đất, những câu chuyện đẹp như cổ tích đó. Và cũng bởi, theo suốt chiều dài lịch sử, con người Việt Nam thời đại nào cũng tha thiết yêu quê hương, đất nước mình.