Phiên âm:
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản.
Bạch vân thiên tải không du du,
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch nghĩa:
Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi rồi,
Nơi đây còn trơ lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa, Mây trắng nghìn năm lởn vởn hoài.
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi. Trời tối rồi, đâu là quê hương?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người buồn?
Dịch thơ:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu.,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ Xưa!
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xa Anh Vã xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Tản Đà dịch)
Ai cưỡi hạc vàng đi mất hút,
Trơ lầu Hoàng Hạc chốn này thôi!
Hạc vàng một đã đi, đi biệt
Mây trắng ngàn năm bay chơi vơi.
Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng,
Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời.
Hoàng hôn về đó, quê đâu tá?
Khói sóng trên sông não dạ người.
(Khương Hữu Dụng dịch)
Hoàng Hạc lâu là tên một cái lầu trên mỏm Hoàng Hạc Cơ, núi Hoàng Hạc (còn gọi là núi Xà Sơn) thuộc huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc. Truyền thuyết nói rằng: Thời xưa có người tiên là Tử An đã cười hạc vàng đến nơi này (Tề hài chí); lại có truyền thuyết nói rằng Phí Văn Vi từ nơi này cưỡi hạc lên tiên (Thái Bình hoàn vũ kí). Người đời sau dựng lầu Hoàng Hạc để kỉ niệm sự tích ấy. Thôi Hiệu nhân đến Hoàng Hạc lâu, hoài niệm thần tiên quá khứ, cảm khái trước hiện tại nhân thế mà viết nên bài thơ này.
Tân Văn Phòng, người thời Nguyên, trong sách Đường tài tử truyện có ghi: Lí Bạch đến lầu Hoàng Hạc, định đề thơ, chợt thấy bài thơ của Thôi Hiệu, đành gác bút mà rằng:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc,
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
(Trước mắt có cảnh nói không được,
Vì thơ Thôi Hiệu ở trên đầu.)
Câu chuyện ấy chưa chắc đã có thật, nhưng Lí Bạch khi viết các bài thơ Anh Vũ châu, Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng đài quả có chịu ảnh hưởng của bài thơ xuất thần này. Nghiêm Vũ, một nhà phê tình văn học thời Tống, trong sách Thương lang thi thoại nhận xét rằng: Thơ thất ngôn luật thi của người thời Đường, bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu là đệ nhất.
Bài thơ có thể chia làm hai phần. Bốn câu đầu là sự hoài niệm quá khứ, bốn câu sau là sự thất vọng trước hiện tại và nỗi lòng buồn nhớ quê hương của tác giả.
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Ngay từ hai câu thơ khởi đề ta đã gặp một tâm trạng. Nhà thơ không tả về cái đang có mà nhớ về một cái đã có và đã mất: Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi rồi. Truyền thuyết kể rằng xưa kia đã có những người tiên đến nơi này (Tử An) và từ nơi này (Phí Văn Vi) cưỡi hạc về trời. Người Trung Quốc coi hạc là linh cầm (chim thiêng). Vậy là người tiên đã cưỡi chim thiêng đi mất. Nơi đây còn trơ lại lầu Hoàng Hạc, một dấu tích kỉ niệm. Theo phép tắc của luật thi thì câu đầu có thể không hiệp vần nhưng với điều kiện là nó phải cùng câu thứ hai làm thành một cặp đối ngẫu, gọi là song phong (hai ngọn núi đối sánh nhau), ở đây, tác giả cũng dựng một cặp song phong, nhưng lại là một cặp đối không chỉnh, danh từ lâu không thể đối với động từ khứ. Cũng là hoàng hạc, nhưng hoàng hạc ở câu trước là một sinh vật, một linh cầm, Hoàng Hạc ở câu sau chỉ là tên một sự vật, một tĩnh vật. Hạc vàng là một loài chim, lẽ ra có thể dùng từ phi (bay), một vận động đặc thù của loài chim, nhưng tác giả lại dùng từ khứ. Khứ mang ý nghĩa khái quát hơn: đi là mất. Tiên khứ, lâu không (tiên đi, lầu rỗng), cái đẹp, cái linh thiêng đã đi và đã mất, chỉ còn trơ lại đây là một dấu tích, một cái xác không hồn, có tương xứng với nhau đâu mà bảo đối với chỉnh (?).
Hai câu đầu đã thể hiện một sự trống vắng, sự hẫng hụt trong tâm hồn. Nhưng trong hoài niệm của con người, cánh hạc vàng kia vẫn còn day dứt:
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
(Hạc vàng một khi đã bay đi, không trở lại nữa,
Mây trắng nghìn năm lởn vởn hoài.)
Thơ Đường kị lặp ở đây, trong ba câu thơ liền nhau, hoàng hạc cứ trở đi trở lại đến ba lần, mà cả ba lần đều không thức. Cánh hạc vàng trở về trong tâm tưởng chỉ để con người thêm khắc khoải, thấm thía sự mất mát. Cả câu thơ thứ ba chỉ có một thanh bằng duy nhất ở đầu câu (hoàng), còn lại toàn thanh trắc; mà trong sáu thanh trắc có đến bốn nhập thanh (hạc, nhất, bất, phục). Như vậy là phạm vào một điều cấm kị: cô bình. Đành vậy! Nhà thơ nào có để ý, mà người đọc cũng chẳng cần để ý, dòng cảm hứng cứ thế tuôn chảy. Vì sự thực vẫn là sự thực, tàn nhẫn, khắc nghiệt. Câu thơ không thể bình yên, một thanh bằng cô đơn quặn thắt, còn nữa thì toàn thanh trắc đành đoạn, phũ phàng, ngậm một nỗi nuối tiếc đến thắt lòng. Có phải vì thế mà ngàn năm mây trắng vẫn ngẩn ngơ hoài không tan, như muốn lưu giữ bóng hình hoàng hạc cho dù cả ngàn năm vô vọng? Sau hơn một ngàn năm, ta vẫn còn nghe thấy trái tim đập nhịp chẳng bình yên trong những câu thơ đầy trắc ẩn.
Từ trong không gian tâm tưởng chiêm vọng bầu trời trống vắng, nhà thơ chuyển điểm nhìn, như thể tìm kiếm, chỉ thấy:
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
(Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một, Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.)
Đẹp lắm! Nhưng vẫn chỉ là một bức tranh tĩnh vật, không còn nữa đâu một cánh chim thần, không còn nữa đâu một thời vàng sao lộng lẫy! Nhưng màu xanh mơn mởn của cỏ non làm nhà thơ nhói lòng, chạnh nỗi tha hương.
Vương tôn du hề bất quy,
Xuân thảo sinh hề thê thê.
(Vương tôn đi mãi hề, không về,
Cỏ xuân mọc hề, thăm thẳm.)
(Sở từ - Chiếu ẩn sĩ)
Có lẽ nhà thơ không định dùng điển cố, nhưng mà cỏ, nó cứ xanh cái màu xanh muôn thuở, gợi lòng du tử nhớ về cố hương. Trong bài thơ bát cú, hai câu 5 và 6 là phần chuyển để dẫn đến kết là hai câu cuối. Màu xanh thăm thẳm của cỏ non làm nhà thơ nhói trong tâm, kéo nhà thơ về lại với lòng mình, chợt nhận ra mình đang xa cách cố hương:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
(Trời tối rồi, đâu là quê hương?)
Thời gian thì nhật mộ, không gian thì hà xứ thị. Đâu là quê hương? Đâu là bến đỗ của cuộc đời xế chiều? Nói chi đến chuyện thần tiên quá khứ, ngay đến cả miền quê thân thuộc cũng không rõ được nơi nào sau bóng hoàng hôn. Câu thơ gợi nhớ đến một thành ngữ cổ xưa: Nhật bộ, đồ cùng (ngày hết, đường cùng), bế tắc cả trong không gian và thời gian. Nhà thơ đành bất lực và buông tiếng thở dài:
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Tất cả nỗi sầu của không gian, của thời gian, của nhân gian dồn tụ lại trong một chữ sầu thuộc âm bình thanh, như một nốt trầm gieo xuống, trĩu nặng cả tâm hồn. Hoá ra, bài thơ 56 chữ thì cả 55 chữ đều là những bước chuẩn bị tất yếu cho một chữ sầu đậu xuống, kết đọng trong tâm.
Người làm thơ đường bao giờ cũng tích tụ năng lượng, dồn hết trọng tâm ý nghĩa cho câu cuối cùng. Hoàng Hạc lâu, hơn thế, dồn sức nặng của sự nuôi tiếc, thất vọng, buồn đau vào một chữ cuối cùng. Một chữ sầu gói trọn nỗi đau của cả một đời người, một thời đại. Phải chăng đây cũng là sự nuối tiếc một thời nhật nguyệt lệ thiên (mặt trời mặt trăng làm đẹp bầu trời) và thất vọng trước buổi xế chiều của Thịnh Đường?
Người sầu vì hoài cổ, thương kim hay tư hương? Tất cả! Đúng là người sầu vì tất cả những điều ấy. Nhưng có lẽ không phải chỉ bấy nhiêu thôi. Hoài cổ, thương kim, tư hương... là những nỗi sầu có thể nói thành lời. Đằng sau những nỗi niềm ấy, còn có nỗi niềm không thể nói thành lời: Trước cái đẹp, con người bỗng cảm thấy bâng khuâng, cảm thấy như không thoả mãn với chính mình, như nuối tiếc, như mình đang mắc nợ cuộc đời... Cái đẹp có khả năng thanh lọc tâm hồn, nhắc con người nhìn lại chính mình. Đó là cảm xúc nhân văn khi con người đến với cái đẹp - cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của nghệ thuật, của cuộc đời, của tình người...
Có lẽ vì thế mà bao nhiêu lời bình về Hoàng Hạc lâu (kể cả bài bình giảng này) đều không làm người ta thoả mãn. Nỗi sầu Thôi Hiệu khi chiêm nghiệm cái đẹp: Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi rồi cũng là nỗi bâng khuâng của mỗi người trước cái đẹp mà mình không thể với tới, không thể nắm bắt được.
Công bằng mà nói, trong thơ Đường không chỉ một Hoàng Hạc lâu là gieo nỗi sầu vào chữ cuối. Nhưng chỉ một Hoàng Hạc lâu là tạo nên nỗi sầu vời vợi giữa không gian, giữa thời gian và giữa nhân gian. Luật thi đệ nhất phải chăng là vì thế ư?