Đức Phật từng dạy: “Giọt nước chỉ hoà vào biển cả mới không bao giờ khô cạn mà thôi”. Nếu coi từng giọt nước là những cá thể riêng lẻ trong xã hội và biển cả là tập thể rộng lớn thì lời dạy của Đức Phật thật sâu xa, thâm thuý. Câu nói ấy nhắc nhở con người phải biết hoà mình vào tập thể, sống trong tập thể và sống vì tập thể “một người vì mọi người”. Mỗi cá nhân là một bộ phận hữu cơ của tập thể xung quanh. Tự cá nhân ấy không thể đáp ứng mọi nhu cầu về vật chất, tinh thần cho mình bởi mỗi người không phải là cả thế giới:
“Một ngôi sao chẳng sáng đêm
Một bông lúa chín chẳng nên mùa vàng
Một người đâu phải nhân gian
Sống trong một đốm lửa tàn mà thôi”.
(Tố Hữu - Tiếng ru)
Bước vào tập thể họ sẽ được bù đắp những khiếm khuyết, bổ sung, giúp đỡ những thiếu thốn. Một học sinh yếu môn toán sẽ được bạn cùng lớp học tốt hơn giúp đỡ. Một người chuyên trồng rau không có gạo để ăn có thể đổi rau lấy gạo với một người trồng lúa. Có tập thể ủng hộ nâng đỡ con người sẽ không bao giờ buồn phiền hay lo lắng, “hoà vào biển cả” một giọt nước sẽ “không bao giờ khô cạn”. Ngược lại, sống trong tập thể, gắn bó với tập thể, mỗi cá nhân có thể đóng góp cho sự phát triển của tập thể mình. Một học sinh học tốt có thể giúp đỡ nhiều bạn học yếu trong lớp đưa phong trào học tập của lớp đi lên. Một nhân viên làm việc chăm chỉ sẽ tác động, kích thích tinh thần làm việc của cả nhóm, cả phòng, ban. Thực tế, trong một tổ chức, tập thể, mỗi thành viên đều có một vị trí, vai trò nào đó vì vậy bản thân mỗi cá nhân lại có sự tác động nhất định đến những cá nhân khác từ đó tác động đến cả tập thể. Cha ông ta từng có câu: Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Vậy là mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể vô cùng khăng khít, gắn bó hữu cơ. Nhận thức được điều đó, mỗi người cần sống tốt hơn để xây dựng gia đình, lớp học, cơ quan,... của mình. Ta không sợ mất đi điều gì bởi ta vì mọi người thì đến lượt tập thể họ cũng sẵn sàng “mọi người vì một người” giúp đỡ ta tiến lên nhiều hơn, mạnh hơn nữa.