TAILIEUCHUNG - Một bài ca dao thâm thúy mà sâu sắc

Trong kho tàng văn học dân gian, ca dao là những viên ngọc quý. Kho tàng ca dao đất Quảng nói riêng cũng có nhiều bài tiêu biểu, được các nhà sưu tầm nghiên cứu đánh giá cao. Ta thử đọc bài : Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm. Rượu hồng đào chưa thấm đã say. Bạn về nằm nghĩ gác tay. Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng ta | Một bài ca dao thâm thúy và sâu sắc Thứ ba, 23 Tháng 5 2006 15:22 Trong kho tàng văn học dân gian, ca dao là những viên ngọc quý. Kho tàng ca dao đất Quảng nói riêng cũng có nhiều bài tiêu biểu, được các nhà sưu tầm nghiên cứu đánh giá cao. Ta thử đọc bài : Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm Rượu hồng đào chưa thấm đã say Bạn về nằm nghĩ gác tay Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng ta Trước tiên phải nói rằng bài ca dao này có những dị bản, đó là đặc tính của văn học truyền miệng. Về âm tiết, cũng có nhiều dị biệt, mà lâu nay đã có nhiều bài viết và bàn luận các từ “chưa mưa đà (dấu huyền) thấm” hay “chưa mưa đã (dấu ngã) thắm (chữ ă) và “chưa nhấm (chữ â) đà (dấu huyền) say” hay “chưa nhắm (chữ ă) đã (dấu ngã) say”. Căn cứ vào bài ca dao được công bố, ta thử bàn. Nội dung bài ca dao nói lên tình cảm đậm đà chung thủy của con người xứ Quảng đối với tao nhân mặc khách nói chung và tình cảm nam nữ nói riêng. Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm hay : Đất Quảng Nam chưa mưa đã thắm Cho dù một số từ có khác nhau về chữ, về dấu, một phần có thể do ngữ điệu phát âm từng vùng, nên ký tự có thể sai lệch. Nhưng hai câu đều nói lên một vùng đất màu mỡ, dù chưa mưa đất cũng đã đủ độ ẩm cho việc cấy trồng (chưa mưa đà thấm) hoặc đã cấy trồng rồi, trời chưa mưa cây cối vẫn đủ độ ẩm để xanh tốt (chưa mưa đã thắm). Rượu hồng đào chưa nhấm đà say Dị biệt về thanh (huyền hay ngã) và chữ (ă hay â) như nói ở trên cũng có thể là do thổ ngữ , thổ âm và ký tự. Nhưng ở đây cần bàn thêm chữ nhấm hay là nhắm. Theo Từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Đà Nẵng năm 1995 thì nhấm có nghĩa nhấm nháp, ăn uống từ từ, từng chút một, thường là để thưởng thức (vừa nhấm nháp chút rượu vừa nói chuyện.). Còn nhắm có nghĩa là ăn thức ăn kèm với rượu (uống rượu nhắm với thịt quay. Đi chợ mua thức nhắm rượu.). Như vậy, ở bài ca dao này, dùng chữ nhấm là chính xác. Dù gì thì gì, ý nghĩa câu thơ đều nhằm nói lên, thứ rượu ngon của địa phương đem đãi khách quý. Ở đây rượu ngon đến mức mới ngửi thấy hơi đã say. Câu thơ nói lên hết tình hết nghĩa với khách, mà ở đây là người bạn tình. Hai câu đầu của bài ca dao, các tác giả dân gian đã vận dụng các thể hứng, tỉ, phú. của thơ ca dân gian truyền thống, nhằm mở ra một không gian tình cảm nhằm chuyển đến đỉnh điểm của nội dung bài thơ cho hai câu tiếp theo. Tình ta như chất đất đồng quê màu mỡ, như rượu quý quê hương thơm ngon. Hay nói một cách khác, tình ta như “bát nước đầy” dang tay mở rộng lòng ra đón mà bạn lại chưa hiểu hết cho. Hai câu thơ như nhắn gửi như hờn dỗi của sự thầm trách đáng yêu : Bạn về nắm nghĩ gác tay Hỏi nơi mô ơn trượng, nghĩa dày bằng ta Lời thơ mang sắc thái khuyên nhủ, giãi bày (bạn về nằm nghĩ gác tay) suy xét chín chắn và so sánh cân nhắc kỹ càng để đừng nhầm lẫn tình cảm của người “ơn trượng, nghĩa dày” với người vô ơn bạc nghĩa. Tóm lại, bài ca dao mới đọc tưởng như chỉ nhằm đề cập cảnh giàu đẹp và tình người chung chung của đất Quảng. Nhưng thực ra, đây là một bài ca dao về tình bạn thủy chung, tình yêu nồng thắm của một đôi trai gái, cụ thể hơn, đó là tình cảm của một chàng trai đất Quảng. Đây là một bài ca dao hay, giàu tính chân thực, một viên ngọc quý trong kho tàng ca dao, dân ca chẳng những của đất Quảng mà là của cả nước.

Đã phát hiện trình chặn quảng cáo AdBlock
Trang web này phụ thuộc vào doanh thu từ số lần hiển thị quảng cáo để tồn tại. Vui lòng tắt trình chặn quảng cáo của bạn hoặc tạm dừng tính năng chặn quảng cáo cho trang web này.