Con sông Đà cũng được nhà văn xây dựng thành một "nhân vật" có mặt suốt từ đầu đến cuối tác phẩm, góp phần không nhỏ tạo nên giá trị độc đáo của thiên tùy bút. Dưới ngòi bút tài hoa và uyên bác của Nguyễn Tuân, sông Đà không còn là một con sông vô tri, vô giác, như trăm ngàn con sông ta đã từng nhìn thấy, mà là một nhân vật có cá tính, có tâm trạng, có hoạt động thật phong phú và phức tạp. Tác giả đã có nhận xét khái quát: đây chính là "con sông Tây Bắc hung bạo và trữ tình". Hai đặc điểm "hung bạo và trữ tình" này sẽ được nhà văn triển khai một cách tỉ mỉ và tài nghệ trong suốt cả bài tùy bút.
Miêu tả sông Đà, trước hết Nguyễn Tuân muốn tô đậm trong mỗi người đọc cách "hung bạo" của nó. Mở đầu thiên tùy bút Người lái đò Sông Đà, bằng những tư liệu phong phú và chính xác, nhà văn liệt kê một loạt con thác tính từ đất Vạn Yên trở về Thác Bờ thuộc địa phận Hòa Bình. Cái đáng sợ của sông Đà đâu phải chỉ ở những con thác, mà còn ở quang cảnh hùng vĩ với vẻ huyền bí, hoang sơ của dòng sông chảy giữa điệp trùng rừng núi của Tây Bắc. Đấy là những cảnh thật hiếm thấy: đá hai bên bờ sông dựng thẳng đứng như xây vách thành. Vì thế cả ngày mặt sông không có ánh nắng; chỉ khi nào đến giữa trưa, mặt trời rọi đúng đỉnh đầu, mặt sông chỗ ấy mới có ánh nắng. Rõ ràng, cách so sánh bờ sông dựng đứng như vách thành nói trên tạo ra được ấn tượng khá đậm về vách đá dựng đứng với độ cao hun hút khôn cùng. Chưa hết, "có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu". Vì thế, dòng chảy của con sông bị thu lại rất hẹp. Để độc giả có thể hình dung rõ nét sự nhỏ hẹp của dòng chảy, Nguyễn Tuân đã sử dụng liên tiếp hai chi tiết: hẹp đến mức "đứng bên nay bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách"; hẹp đến mức "con nai, con ho đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia". Như vậy, để miêu tả cảnh tượng hùng vĩ có phần huyền bí của dòng sông, nhà văn chẳng những sử dụng thị giác, mà ông còn kết hợp vận dụng các giác quan khác (như xúc giác) với những so sánh thật mới mẻ, bất ngờ. Vách thành dựng đứng gợi được sự hiểm trở, hùng vĩ. Còn lòng sông hẹp lại gián tiếp gợi được sức nhảy ghê gớm, dữ dằn của thác lũ.
Tính chất hung bạo còn thể hiện qua cái dữ dằn của ghềnh sông với sự hợp sức của gió, của sóng và của đá, của những cái hút nước, những thác nước khủng khiếp. Nhiều thác nước như bày sẵn thế trận, sẵn sàng chặn đánh, tiêu diệt người lái đò, lái mảng; đặc biệt đối với những ai xuôi dòng. Nguyễn Tuân đã khiến cho sự dữ dội ấy hiện lên thành hình dáng cụ thể và gầm thét trong những âm thanh phong phú, tác động mạnh đến cả thính giác lẫn thị giác của người đọc.
Quả thật, ở ngoài đời, sông Đà vốn hung bạo, nhưng sự hung bạo này được nhân lên gấp bội bởi tài nghệ sử dụng đội quân Việt ngữ điêu luyện, công phu của Nguyễn Tuân. Miêu tả cái hung bạo của dòng sông thực ra là nhà vãn muốn khắc họa sức mạnh kì diệu và vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của sông Đà, nói rộng ra là của thiên nhiên Tây Bắc - mảnh đất mà ông yêu mến thiết tha.
Nhưng sông Đà đâu chỉ có hung bạo, đây còn là một dòng sông tuyệt vời thơ mộng. Nguyễn Tuân ví sông Đà như một áng tóc trữ tình. Tác giả ngắm nhìn sông Đà từ nhiều thời điểm, nhiều không gian khác nhau. Với tình cảm trìu mến thiết tha, nhà văn tinh tế phát hiện được một cách lí thú màu sắc của dòng sông biến đổi theo từng mùa. Xuân về, dòng sông xanh ngọc bích, tức là màu xanh rất đẹp vừa trong xanh lại vừa óng ánh "chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô"; tuy cả ba con sông cùng chảy qua vùng phía Bắc của Tổ quốc. Khi thu sang, nước sông Đà chuyển thành màu "lừ lừ chín đỏ".. Như vậy, mỗi mùa dòng sông có một vẻ đẹp riêng. Chính vì thế, Nguyễn Tuân bực bội khi bọn thực dân cướp nước lại gọi một cách thô bạo sông Đà là dòng sông Đen - sông có màu đen.
Tác giả dành những đoạn văn hay nhất tả cảnh vật ven sông Đà. Để tôn thêm tính cách trữ tình của dòng sông, nhà văn sử dụng nhiều hình ảnh trong sáng, gợi cảm và đầy chất thơ. Qua mỗi câu văn, ta đều cảm nhận được tấm lòng trìu mến, hoan hỉ của ông đối với tạo vật. Nhịp điệu câu văn lúc thì hối hả, mau lẹ do cách ngắt câu và diễn đạt theo lối điệp (Bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà) để diễn tả niềm sung sướng đang trào dâng trong lòng tác giả. Lúc thì chậm rãi, như tãi ra để diễn tả cái vắng lặng rất nên thơ của con sông này: "Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. "Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người, cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm".
Với một tình yêu thiên nhiên Tây Bắc tha thiết, tác giả "nhìn sông Đà như một cố nhân" và nhớ mãi ấn tượng: ở rừng lâu ngày, một lần "bám gót anh liên lạc" bất chợt bắt gặp dòng sông Đà lóa nắng, khiến ông nhớ tới một câu thơ đầy gợi cảm của Lí Bạch nói về buổi tiễn Mạnh Hạo Nhiên ở bên sông: Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu.
Vậy, vì sao nhà văn lại miêu tả con sông Đà với hai đặc điểm đối lập gay gắt? Trước hết, miêu tả sông Đà như vậy là phản ánh đúng dòng sông này ở ngoài đời. Ai đã từng có may mắn dọc theo sông Đà một lần dù đi vào mùa khô nước cạn, trên một con thuyền đuôi én, ngược dòng; hay trên một bè nứa về xuôi... thì đều có thể nhận xét: có những chỗ sông Đà cực kì dữ dằn, nguy hiểm, nhưng cũng có không ít chỗ hết sức dịu dàng, thơ mộng. Thứ hai, ("Người lái đò Sông Đà") là một bài tùy bút, nhưng có chất kí, tức là có cảnh một "nhân vật" có tâm trạng, có cá tính lúc thì hiền hòa, khi thì dữ dội, giống như con người; vì thế, lôi cuốn, hấp dẫn độc giả. Thứ ba, việc miêu tả sông Đà với hai đặc điểm như vậy còn có tác dụng làm phông nền để khắc họa hình ảnh ông lái đò - một nghệ sĩ vừa dũng cảm vừa tài hoa trong nghề leo ghềnh vượt thác.