DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG
A. MỞ BÀI:
(Xác định không gian thời gian, và sự kiện)
- Sau hơn hai giờ trên sông nước.
- Cồn Rồng, một địa danh có cây trái xum xuê và có Nhà nghỉ Công đoàn.
B. THÂN BÀI:
1. Chúng tôi lên bờ, đùa nghịch trên chiếc cầu gập ghềnh, lấy lá dừa nước đan thành giỏ.
2. Vào thăm nhà của một chủ vườn và là người chơi cây kiểng.
+ Những loại cây kiểng.
+ Những hòn non bộ, những dáng tiều phu gợi cảnh miền núi trong bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan.
+ Vườn trái cây
- Tán lá
- Trái cây
- Gốc cây rụng đầy trái.
+ Liên hoan trái cây và nhặt đầy giỏ quả chín.
+ Đi khắp vườn ngắm cảnh (nhiều loại cây trái...)
3. Nhà nghỉ Công đoàn là một công trình kiến trúc khá công phu
+ Những toà nhà.
+ Sân rộng và chín con rồng biểu hiện quyền uy.
+ Thăm Cửu đỉnh - một công trình nghệ thuật.
+ Leo lên những tháp cao.
Ăn trưa trong động đá hoa.
C. KẾT LUẬN:
- Đò cập bến. Chúng tôi chia tay cồn Rồng.
- Những cảm giác chơi vơi, chơi vơi cứ theo tôi đến tận nhà.
BÀI LÀM
Sau hơn hai giờ bập bềnh trên sóng nước sông Ba Lai rồi đánh vòng qua một nhánh sông Tiền, chiếc đò máy của chúng tôi ghé vào một bến nhỏ. Cồn Rồng đây rồi! Nơi nổi tiếng với những cây trái xum xuê và nhất là ở trung tâm của nó có “Nhà nghỉ công đoàn”, một di tích hiếm có.
Chúng tôi tót lên bờ, bước đi trên chiếc cầu xập xình, xập xình, đùa giỡn té nước vào nhau. Loáng một chốc, mấy cái lá dừa nước xanh thẫm đã trở thành cái giỏ nho nhỏ, xinh xinh trong tay tôi. Bọn bạn cũng vít cành dừa xuống, bẻ lá và làm như vậy. Đợi cho lữ chúng tôi lên bờ hết, chiếc đò lại rời bến sang bên kia.
Chúng tôi vào thăm một gia đình nổi tiếng nhất đất cồn này về nghề trồng cây kiểng và cây ăn trái. Vô số hhững loài cây kiểng đang khoe sắc. Hòn non bộ nho nhỏ với dáng điệu ông tiều phu gánh củi, với đứa trẻ chăn trâu gợi cho tôi nhớ đến cái quạnh quẽ trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan. Có những cây xương rồng đã tồn tại hơn trăm năm đang khoe dáng vừa cổ kính vừa kiêu hãnh trước những con mắt tò mò của lũ chúng tôi. Chúng tôi rẽ qua lối vào vườn cây ăn trái. Quả là tiếng đồn không ngoa, cây trái ở đây nhiều vô kể. Tán cây xanh thẫm, dày, rất dày. Tôi len vào tán một cây nhãn, đi vòng quanh khu vườn ấy. Ánh nắng mặt trời không chiếu được đến gốc, mặt đất mềm mềm, bốc lên mùi ẩm mục của lá cây. Nhìn lên phía trên chỉ thấy lốm đốm những mảnh nắng nhàn nhạt tan trong vòm lá xanh và những chùm nhãn chín mọng, trắng xóa. Bởi trái cây ở đây rất nhiều nên người ta không bọc xuể, các chùm trái rơi xuống dưới phía tán. Cây thật to, đều tăm tắp. Tôi lấy cái giỏ làm bằng lá dừa nước đựng nhãn chín. Chỉ loáng qua chừng hai mươi phút đã đầy giỏ. Tôi gọi các bạn. Ồ, bạn nào cũng đầy một giỏ như tôi. Hớn hở làm sao! Chúng tôi liên hoan tại chỗ, ngay bên gốc nhãn. Sau đó, được chủ vườn cho phép, lũ tôi lại còn ních thêm cho đầy những túi quần, túi áo. Có cậu đã phùng phình cả người mà bước ra vẫn còn luyến tiếc...
Cứ thế, chúng tôi đi qua các vườn trái cây khác như chôm chôm, boòng boong, dâu... Quả là tuyệt vời. Muôn vàn trái cây như các đèn lồng xanh, đỏ, vàng cứ nhấp nháy trong mắt, bắt buộc chúng tôi phải chú ý và phải “thăm” nó. Rời khỏi vườn trái cây, chúng tôi tiếp tục đi đến “Nhà nghỉ công đoàn” của Cồn Rồng. Đâu đâu cũng là một màu xanh trù phú. Lướt qua những vườn nhãn, chúng tôi chỉ nghe tiếng cười nói của những người làm vườn, phải hết sức chú ý mới thấy được những bàn chân thấp thoáng, lá cây đã phủ tất cả. Bọn nhóc chúng tôi có thể chơi trò trốn tìm thỏa sức mình trong tòa lâu đài xanh kỳ diệu ấy. Các ngôi nhà ở cồn Rồng chủ yếu là mái ngói, một kết quả do nguồn lợi trái cây đem lại. Hàng rào được xén tỉa rất cẩn thận dài trên đường đi. Một bên là vườn cây, một bên là nhà, con đường, lát gạch như muôn kéo dài ra mãi. Chúng tôi vừa đi vừa “thanh toán” sản phẩm cây vườn, chẳng mấy chốc đã đến đích. Lại một lần nữa hồi hộp và nóng lòng vì phải chờ mua vé. Không bao lâu sau, chúng tôi đã thoải mái tung tăng trong khu nhà nghỉ. Sân rộng rãi được lát xi măng và dựng tượng chín con rồng với chín kiểu điêu khắc khác nhau. Mỗi con đều mang vẻ uy nghi của quyền lực. Rồi chiếc Cửu đỉnh khổng lồ được ghép bằng gốm Bát Tràng, đã có người đề nghị đặt nó trong lồng kính đế bảo vệ một thành quả nghệ thuật hiếm có. Chúng tôi đứng lặng rất lâu để ngắm kỹ từng phiến gốm óng ánh. Có hàng vạn phiến như thế...
Chơi vơi, chơi vơi, đó là cảm giác chung của du khách khi đứng trên chiếc cầu cao vời vợi như treo lơ lửng giữa không trung. Trên đó, bạn phóng tầm mắt ra xa: Cù lao Minh chập chờn trước mắt, bên cánh trái là thành phố Mỹ Tho sầm uất với cái dáng lờ mờ của những ngôi nhà phố chợ ven sông. Bên phải là Bến Tre với dừa xanh phủ liền cả bến sông dài thăm thẳm. Gió thổi lồng lộng, con người lúc này dường như muôn quên đi tất cả, tất cả trần thế để bay lên cao, phiêu diêu cùng mây gió. Gió thổi làm các cụm bần cứ xào xạc, xào xạc.
“Bay lên cao đi cô bé!”... Ước muốn ấy bị cắt đứt khi tôi nghe tiếng gọi của các bạn. Tôi thận trọng tuột xuống mà vẫn còn luyến tiếc. Đặt chân vào động đá hoa, tôi gặp ngay các bạn đang tiếp tục thưởng thức trái cây và ăn trưa. Thật là thú vị khi cầm nắm cơm nếp dẻo quẹo ăn với vài ba con tép rang dừa béo ngậy vừa nghe gió thì thầm, xào xạc trò chuyện thủ thỉ với các cụm bần. Đàn hát không biết bắt đầu tự lúc nào... Tôi như trôi đi trong cảnh sắc ấy.
Chiếc đò lúc sáng đã cập bến. Tôi bước xuống, để lại cồn Rồng một ngày nghỉ thật thú vị. Tiếng máy nổ không át nổi tiếng gió xạc xào lúc tôi đứng trên cao, chơi vơi, chơi vơi...