Đọc Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi ta bỗng nhớ đến Cảnh khuya của Hồ Chí Minh và đọc Cảnh khuya của Hồ Chí Minh, ta liên tưởng đến Bài ca Côn Sơn của Nguyễn Trãi. Vì sao vậy? Phải chăng hai kiệt tác thi ca là nơi gặp gỡ của hai tâm hồn nghệ sĩ lớn?
Mở đầu hai tác phẩm nỗi tiếng này là hai bức tranh thiên nhiên diễm lệ. Cả hai bức tranh ấy đều được phác họa bằng nét vẽ đầu tiên đầy ấn tượng: tiếng suối chảy rì rầm, êm đềm và thơ mộng, lãng mạn và quyến rũ:
Côn Sơn suối chày rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
(Bài ca Côn Sơn)
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
(Cảnh khuya)
Trong cảnh thanh tĩnh của núi rừng, âm thanh của tiếng suối gợi bao cảm xúc. Nó tha thiết như chính thiên nhiên đang vẫy gọi. Nhà thơ của chúng ta bỗng thấy dạt dào cảm hứng. Họ lắng nghe và cảm nhận tiếng suối chảy không chỉ bằng thính giác mà cả tâm hồn mình - một tâm hồn nghệ sĩ thanh cao và lãng mạn. Tiếng suối chảy róc rách hay chính Đất Trời đang dạo nhạc để cho lòng người ngất ngây?
Hai hình ảnh so sánh thật đẹp, thật độc đáo. Nó giống như hai anh em sinh đôi vậy. Chỉ khác là với Nguyễn Trãi thì tiếng suối là tiếng đàn cảm, còn với Hồ Chí Minh thì tiếng suối lại là tiếng hát. Dù là tiếng đàn hay tiếng hát thì nó cũng là âm nhạc. Nhạc trời hay nhạc rừng? Hay chính bản nhạc yêu đời, yêu cuộc sống đang ngân lên trong tâm hồn thi nhân? Chẳng biết vì sao mà hai nhà thơ ở hai thời đại cách xa nhau như thế lại có chung một cảm nhận. Chao ôi, sự cảm nhận của thi nhân mới tinh tế làm sao!