Chia li, chuyện ấy tưởng như chỉ có ở con người, ở những người đã lớn, đã trưởng thành. Vậy mà tác giả Khánh Hoài đã đem sự chia li ấy đến với hai con búp bê qua tiêu đề truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê. Rồi từ câu chuyện chia tay của hai con búp bê tác giả dẫn ta đến với cuộc chia tay đẫm nước mắt của hai anh em Thành, Thủy vì cha mẹ li hôn. Đọc truyện ngắn của Khánh Hoài lòng ta thấy xót xa, thấy thương cho Thành, Thủy và thầm hỏi, trong cuộc sống này, còn có bao nhiêu cuộc chia tay làm tâm hồn trẻ thơ sớm phải đau đớn như thế?
Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người xưng tôi trong câu chuyện là Thành - người anh trai có cô em gái tên Thủy. Bố mẹ li hôn, Thành ở lại thành phố. Thủy theo mẹ về quê. Chọn ngôi kể thứ nhất này đã giúp truyện hấp dẫn, sinh động, tăng tính chân thực bởi người kể chuyện cũng chính là người trực tiếp tham gia câu chuyện, trực tiếp chịu nỗi đau chia li. Ta hãy bắt đầu từ cuộc chia tay nhỏ nhất - cuộc chia tay của hai con búp bê Vệ Sĩ và Em Nhỏ. Mẹ bắt hai anh em Thành - Thủy chia đồ chơi. Từ hai con búp bê, tác giả giúp người đọc cảm nhận tình yêu thương đằm thắm của hai anh em. Dòng hồi ức của Thành trở về với những kĩ niệm thân thương của hai anh em. Lần Thủy mang kim chỉ ra tận sân vận động vá áo cho anh. Trong tâm trí Thành vẫn còn nhớ như in từng mũi kim của em rất khéo. Đêm, Thành hay ngủ mơ thấy ma, Thủy "võ trang" cho con Vệ Sĩ rồi đặt nó ở đầu giường gác cho anh ngon giấc. Còn Thành thì thường đưa đón em mỗi buổi học về, anh em vừa dắt tay nhau đi vừa trò chuyện, Thành cũng thường giảng bài, giúp em học... Kỉ niệm cứ thế mà ùa về theo dòng hồi ức đẫm nước mắt của Thành. Cũng qua dòng hồi ức ấy, ta thấy Thành và Thủy hết mực thương nhau, vậy mà phải dứt lìa. Rồi khi chứng kiến cảnh Thành và Thủy chia đồ chơi, đặc biệt là chia hai con búp bê lòng ta một lần nữa quặn đau cùng anh em họ. Hãy thử nhìn cái cách Thủy phản ứng khi thấy anh mình đặt hai con búp bê sang hai bên: "Thủy tru tréo giận dữ" rồi trách "Sao anh ác thế". Khi thấy anh đặt hai con búp bê trở lại gần nhau thì cặp mắt Thủy dịu lại, hình như Thuỷ bằng lòng. Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn cô bé, nỗi đau chia li luôn ám ảnh, bởi thế Thủy đã không thể chịu được khi phải chứng kiến sự chia li, dù chỉ là của hai con búp bê vô tri. Và khi người anh để Vệ Sĩ và Em Nhỏ bên nhau, lòng Thủy dịu lại. Nhưng rồi nghĩ đến anh mình, Thủy lại chợt kêu lên: "Lấy ai gác đêm cho anh?". Mâu thuẫn giằng xé trong lòng cô bé ấy. Ta chợt thấy lòng mình nhói đau. Cuộc chia ta của hai con búp bê tưởng sẽ nhẹ nhàng kia hóa ra lại trở thành nỗi trăn trở, đau đớn trong lòng cả hai anh em và cả lòng người mẹ. Bởi ta hiểu rằng, tác giả không chỉ kể một cuộc chia tay của hai con búp bê hay việc chia đồ chơi một cách đơn thuần. Đằng sau đó là cuộc chia tay của cha mẹ, của anh em Thành. Là nỗi trăn trở của một tấm lòng giàu yêu thương và cảm thông. Bởi thế cuộc chia tay thứ nhất đã làm không ít trái tim thổn thức cùng hai anh em Thành, Thủy.
Cuộc chia tay thứ hai cũng không kém phần xúc động. Thành dắt tay em đến trường để chia tay cô giáo và các bạn. Hãy nhìn cô bé Thủy lúc ở sân trường: "Em cắn chặt môi, im lặng, mắt đăm đăm nhìn khắp sân trường, từ cột cờ đến bảng tin... Rồi em bật khóc thút thít", ta đủ biết lúc này Thủy đang xúc động rất mạnh. Có lẽ, cô bé đang cố ghi nhớ hình ảnh ngôi trường thân thương vào kí ức, bởi chúng ta biết rằng, với trẻ thơ, trường học chính là ngôi nhà thứ hai, gần gũi và thân thiết, sắp xa vĩnh viễn ngôi nhà thứ hai ấy, thử hỏi làm sao bé Thủy không xúc động cho được. Rồi cảnh chia tay trong lớp học diễn ra. Thủy khóc, cô giáo nước mắt giàn giụa, các bạn cũng thút thít khóc. Một lần nữa mắt ta cũng như nhòe đi trước cuộc chia tay giữa bé Thủy cùng cô giáo và các bạn. Nỗi đau ấy rồi sẽ trở thành một kỉ niệm buồn trong kí ức tuổi học trò của Thủy. Càng đau đớn hơn khi ta biết rằng, việc học của Thủy sẽ phải dừng lại bởi "nhà bà ngoại ở xa trường lắm". Một tương lai toàn màu xám mở ra trước mắt cô bé học sinh lớp bốn đáng thương ấy. Có thể dửng dưng được chăng, trước những thiệt thòi mất mát của con trẻ từ cuộc chia tay của cha mẹ? Hình ảnh một cô bé gầy gò, ngồi bên thúng hoa quả ở một góc chợ quê chợt hiện về trong trí tưởng tượng của tôi. Tương lai của em đấy sao, cô bé Thủy bé bỏng tội nghiệp? Khép lại cuộc chia tay thứ hai là cảnh anh em Thủy - Thành trở về và sự kinh ngạc của Thành khi "thấy mọi người vẫn đi lại bình thường. Và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật". Nghĩa là cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, mọi vật vẫn bình yên chỉ có tâm hồn anh em Thành là đang giông bão. Càng thấy các em lạc lõng bơ vơ giữa dòng đời, giữa những toan tính nghĩ suy của người lớn. Một lần nữa trong ta câu hỏi lại trở về: làm gì để không còn ở cuộc đời này sự thờ ơ, bình thản đến vô tâm ấy nữa?
Cuộc chia tay thứ ba cũng là cuộc chia tay cuối cùng trong câu chuyện: "Vừa tới nhà, tôi đã nhìn thấy một chiếc xe tải đỗ trước cổng. Mấy người hàng xóm đang giúp mẹ tôi khuân đồ đạc lên xe". Mặc dù đã biết trước sự chia tay ấy, nhưng giường như không ai muốn đón nhận nó, đặc biệt là Thành và Thủy. Bởi thế, cô bé Thủy "như người mất hồn, mặt tái xanh như tàu lá". Và câu chuyện về cuộc chia tay của hai con búp bê trở lại, Thủy mở hòm đồ chơi, lấy con Vệ Sĩ đặt lên giường cho anh rồi ôm ghì lấy con búp bê, hôn gấp gáp lên mặt nó và thì thào: "Ở lại, gác cho anh tao ngủ nhé! Xa mày, con Em Nhỏ sẽ buồn lắm đấy, nhưng biết làm thế nào...". Lại một lần nữa ta chứng kiến nước mắt của những đứa trẻ vô tội Thủy "khóc nức lên", còn Thành cũng "khóc nấc lên". Người chia xa, anh em li biệt, hai con búp bê những tưởng đã chịu chung số phận với anh em Thành, Thủy. Nhưng thật bất ngờ "Bỗng em lại tụt xuống khỏi xe, chạy về phía tôi, tay ôm con búp bê em đi nhanh về chiếc giường, đặt con Em Nhỏ quàng tay vào con Vệ Sĩ" và bắt Thành hứa không bao giờ để chúng xa nhau. Một kết thúc có hậu cho hai con búp bê. Chúng không phải lìa nhau. Còn anh em Thành, Thủy thì sao? Cuối cùng thì chiếc xe tải vẫn rồ máy lao đi mang theo đứa em nhỏ và những kỉ niệm đầy ắp của hai anh em mà không hẹn ngày gặp lại. Mắt ta lại một lần nữa nhòe đi, tim như có ai bóp chặt khi chứng kiến cảnh chia tay ấy.
Không kể nhiều chuyện của người lớn và nguyên nhân của cuộc chia tay. Tác giả Khánh Hoài xoáy vào ba cuộc chia tay đẫm nước mắt và hậu quả mà anh em Thành, Thủy phải gánh chịu khi cha mẹ li hôn. Đặc biệt là viết về tâm hồn, tình cảm trong sáng, nhân hậu, thiết tha của hai đứa trẻ. Bởi thế, câu chuyện có sức lay động lớn, có sức truyền cảm, ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ý nghĩa giáo dục cũng vì thế mà được nhân lên và dễ dàng đi vào lòng người, nhất là với những người làm cha, làm mẹ. Và trên hết, tác giả muốn gửi đến mọi người thông điệp: trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ trong việc giữ gìn tổ ấm gia đình và bảo vệ hạnh phúc trẻ thơ. Hãy để các em được sống trong vòng tay yêu thương của gia đình và xã hội.